SƠNNAM
ĐẤT
GIA ĐỊNH
XƯA
Đám dân “nghèo khổ xiêu tán đi biệt” nói trong đơn
là thành phần đông đảo nhứt vào Đồng Nai - Gia Định,
làm điền nô cho những người “có vật lực”. Họ không
phải là người tù, tội. Họ chỉ phạm tội vào trốn thuế sai
dư (tức thuế thân) mà thôi.
Thành phần tù tội bị lưu đày chỉ thấy xuất hiện đông
đảo ở Nam Bộ từ đời Gia Long trở về sau, đặc biệt từ
đời Minh Mạng, khi tổ chức hành chính, quân sự nhà
Nguyễn đã ổn định. Như trên đã nói, nhà Nguyễn theo
luật nhà Lê. Bộ Luật Gia Long (gọi Hoàng Việt Luật
Lệ)
) đúc kết nội dung của luật Hồng Đức nhà Lê và
phỏng theo luật nhà Thanh. Để trị người mang tội với
triều đình, luật này định ra năm hình phạt (ngũ hình)
như sau:
Xuy
: đánh bằng roi, thường là roi mây, đánh có năm
mức 10, 20, 30, 40, 50 roi, từ nhẹ tới nặng.
Trượng
: đánh bằng gậy, hèo (cây cứng chớ không
dẻo như roi mây) tùy nặng nhẹ đánh từ 60, 70, 80, 90,
100. Không được đánh quá 100 trượng, sợ phạm nhân
chết.
Đồ
: giam cầm, bắt làm việc quan từ một năm, một
năm rưỡi, hai năm rưỡi, ba năm, chia làm năm bực.
Trước khi đưa đi làm việc nặng nhọc (khổ sai) thường
là làm trong phạm vi tỉnh nhà, tùy theo bực mà phạm
nhân bị đánh thêm 60 trượng nếu tội đồ một năm, 70
trượng nếu tội đồ một năm rưỡi, cuối cùng 100 trượng
nếu là ba năm. Công việc nặng nhọc gồm: xay lúa giã
gạo, phục dịch ở các trạm, khiêng cán cho quan nằm...