37
được tháo xiềng. Đời Minh Mạng, sử cũ còn ghi nhiều
trường hợp:
Năm 1826, ra lệnh cho kẻ tội lưu nếu yên nơi thì cho
phóng thích, đưa qua ngạch lính để cải hóa.
Năm 1834, giao hàng trăm tội đồ được phát phối tới
thành Trấn Tây, lệnh cho cởi xiềng, để tướng Trương
Minh Giảng và Lê Đại Cương sai phái dưới cờ.
Năm 1836, đặt cho tội quân lưu là mười năm, tội
đồ là năm năm và tội phát binh là ba năm. Mãn hạn,
được trở về nguyên quán, đóng thuế làm xâu như trước.
Đàn bà mắc tội đồ, có thể bị đưa vào đồn lũy nơi
biên thùy phục dịch, đồng thời giải trí cho binh sĩ, chờ
khi mãn hạn được trở về quê quán.
Riêng trong địa phận kinh đô Huế, không chứa chấp
thành phần “lưu phát vi quân”, đề phòng phản loạn,
binh biến.
*
* *
Cuối đời nhà Trần, chế độ nô tì bị giáng những đòn
mạnh mẽ. Nông dân nghèo bán mình làm nô tì trong
điền trang thái ấp của quý tộc bỏ trốn với quy mô lớn rồi
cùng với nông dân bạo động, khởi nghĩa võ trang. Đời
Lê rồi tới đời Nguyễn chế độ này còn rơi rớt vẫn được
pháp luật thừa nhận. Ta không nên lầm lẫn nô tì với cố
nông là người nghèo túng ở đợ cho điền chủ. Người ở
đợ tuy bị đánh đập, hành hạ nhưng nếu mãn hạn, dứt
nợ thì trở lại đời sống bình thường. Còn nô tì thì chủ có