SƠNNAM
NGƯỜI
SÀI GÒN
bình dân, uống cà-phê đen, trò chuyện và hỏi han tin
tức, nghe lời khen chê của giới lao động. Ngồi bên anh
ký giả là anh kéo xe kéo, anh phu khuân vác, lề đường
có chị bán cháo lòng. Và ngồi chồm hổm bên chân anh,
luôn có nụ cười của cậu bé đánh giầy. Bởi vậy, khi nghe
tin người ký giả bị chủ báo đuổi, thất nghiệp tạm thời,
hoặc bị bắt về tội... “liên can chính trị” thì mọi người
đều xúc động. Gắn bó với giới bình dân thì báo mới bán
chạy, không lỗ lã. Phải nhắc nhở về đời sống của giới
lao động, đòi hỏi “điện, nước” cho xóm nhà lá, chống
việc đuổi đất, đuổi nhà. Rủi như báo bán ế, ít ra cũng
ra vẻ “mị dân”, vẽ tranh châm biếm về đề tài chú lính
“phú-lích” cầm cây dùi cui rượt theo một chị bán hàng
rong! Trở lại thời gian tương đối xa xưa hơn, ta thấy
Đồ Chiểu là nhà thơ của bình dân, soạn Lục Vân Tiên
nhằm đánh thức “hào khí Đồng Nai - Bến Nghé”, “giữa
đường dẫu thấy bất bình mà tha”, nước mất nhà tan,
không được tự do, lừng khừng. Lục Vân Tiên trở thành
một dạng “hát bội dân gian”, không cần đào kép chuyên
nghiệp. Cứ nằm nhà, đọc lên cho con cháu, người hàng
xóm nghe, với giọng khi trầm khi bổng. Người mù nói
thơ Lục Vân Tiên đã quyến rũ được bao nhiêu bạn hàng
tiểu thương chợ Cầu Ông Lãnh; đến thưởng thức rồi tặng
chút ít tiền, thậm chí kẻ sĩ cũng đến tán thưởng giây lát,
không khí ấm áp, hòa hợp với cộng đồng. Người mù từ
Quảng Nam, Bình Định đến tìm sanh kế dễ dàng ở Sài
Gòn, điệu “nói thơ Vân Tiên” sớm định hình, mô phỏng
giọng “hô bài chòi” của miền Trung.