SƠNNAM
ĐẤT
GIA ĐỊNH
XƯA
cọp nấy”. Ở miền Đông, kỹ thuật làm bẫy cọp, săn cọp
khá tinh tế, vào thời chưa có súng. Tuần báo Nam Kỳ địa
phận
(1909) dành để phổ biến giáo lý đạo Thiên Chúa
mà còn đăng tải những tin tức về cọp, như là thời sự.
Mãi đến sau những năm 1930, cọp vẫn còn lảng vảng ở
Rạch Giá, Cà Mau, ở Bảy Núi.
Lúc mới khẩn hoang, thầy võ đánh cọp không nhiều,
thông thường là đồng bào đứng lên tự vệ, trong gia đình,
ở láng giềng, dù có cọp tới lui, giết người, đồng bào vẫn
bám đất kiên trì. Cù lao Dung ở ngay vàm sông Hậu, diện
tích rộng lớn gồm ba xã, một thời gọi là Hổ Châu vì cọp
khá nhiều. Ở Sa Đéc, còn tên đất Hổ cứ. Chuyện “bà mụ
cọp” được phổ biến cùng với chuyện nuôi cọp trong nhà,
thay chó. Rạch “Ông” ra, Rạch “Ông” rầy... hãy còn, đánh
dấu bước đầu gay go mà người khẩn hoang dám đi lẻ tẻ
vào đồng cỏ, rừng chồi, phải đối phó ngày đêm với năm,
ba con cọp liều lĩnh, tinh khôn đang bám mấy đám cây
gừa, cây kè trên vài gò nỗng: cọp “ra” tìm mồi “rầy la”
nổi giận. Hoặc còn tổng Ăn Thịt ở vùng Cần Giờ, nơi cọp
hay ăn thịt người, phải nói gọn lại vì kiêng cữ là An Thịt.
Có người nói ở miền Nam không gọi con đầu lòng là
con “cả” vì kiêng ông Hoàng Cả (tức Hoàng tử Cảnh),
nhưng giải thích chức vụ đại hương cả trong làng (gọi
tắt là ông Cả) ngày xưa dành cho cọp thì dễ thuyết phục
hơn. Người ta không dám gọi to, mắng nhiếc hoặc đánh
đập “thằng cả”, e động lây. Giai thoại về cọp hằng năm
đến miễu ăn đầu heo rồi nhận tờ cử chức đại hương cả
còn phổ biến trong dân gian.