65
cố đất. Khi con nợ không trả nổi, họ đoạt đất một cách
hợp pháp, đây là kiểu kinh doanh đã có từ trước của điền
chủ ở miền Trung, mang theo vào Nam, sanh ra nhiều
kiện tụng rắc rối, dai dẳng ở nông thôn.
Không phải ở đâu cũng thuận lợi như những vùng
kể trên. Phía Hà Tiên, ven biển Vịnh Xiêm La, việc
khẩn hoang làm ruộng thì phát triển ở vùng gần chợ
Rạch Giá và Cà Mau. Chung quanh chợ Hà Tiên, đất
xấu, mãi tới đời Gia Long, dân còn phải dời chỗ ở vì
khó làm ruộng được. Vùng này, ngày xưa, sống nhờ lúa
gạo của hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên (nay là Cà
Mau) cấp dưỡng. Trong dịp họa bài thơ của Mạc Thiên
Tứ, bài Lộc Trĩ thôn cư (làng ở mũi Nai), Nguyễn Cư
Trinh đặt câu thơ đáng chú ý:
Cánh vô tô thuế hưu nhàn sự
Thái bán nhân xưng cận bách linh.
(Không phải đóng tô thuế, ai nấy đều thanh nhàn
Người ở nơi đây đều gần trăm tuổi).
Không đóng tô thuế nghĩa là người dân ở đây không
phải đóng thuế điền cho Nhà nước. Lối kinh doanh của
Mạc Cửu với con là Mạc Thiên Tứ là thu mua gạo trong
nội địa bán ra nước ngoài, huê lợi lớn hơn thuế điền,
nếu có đặt ra. Đất không chịu thuế, đó là để khích lệ
nông dân vùng đất xấu.
Trong tình hình mới khai thác, ngoài những xã thôn
sớm định hình, nhà Nguyễn cho tổ chức những nhóm
nhỏ gọi là phường, trại, nậu... có vị trí như thôn, xã.