SƠNNAM
ĐẤT
GIA ĐỊNH
XƯA
Cảng Hà Tiên thời họ Mạc bị giặc Xiêm tàn phá,
không khôi phục được vì thiếu cơ sở kinh tế. Cù lao Phố
cũng lần hồi mất vị trí vì gạo ở đồng bằng sông Cửu
Long ngày càng nhiều, đưa theo đường sông từ đồng
bằng lên Bến Nghé gần hơn, đi ngược lên Biên Hòa rồi
trở xuống sông Lòng Tàu thì không hợp lý.
Thế mạnh của Bến Nghé tăng thêm khi Nguyễn
Cửu Đàm đốc suất đào kinh Ruột Ngựa, nối liền Rạch
Cát và Rạch Lò Gốm. Ngày xưa thuế thâu được ở chợ
Rạch Cát, ở bến đò Quan Đế (nay là Đình Ông ở Bình
Đông), ở chợ Phú Lâm, ở Chợ Quán, ở Bình An (vùng
chợ Hòa Bình) khá nhiều, chứng tỏ rạch vàm Bến Nghé
khá thông thương và tấp nập. Chợ Tân Kiểng cũng sung
túc, ngày Tết có du tiên, từ trước năm 1770. Chợ Phú
Thọ (gọi chợ Nguyễn Thực) do Nguyễn Văn Thực lập
năm 1727. Chợ Điều Khiển đánh dấu dinh quan Điều
Khiển, lập năm 1731. Chợ Bến Sỏi ở ngã ba rạch Bến
Nghé và sông Bến Nghé.
*
* *
Gia Định chịu đựng hai mươi lăm năm chiến tranh
ròng rã vì chuyện “Gia Long tẩu quốc” rồi “Gia Long
phục quốc”. Những chữ này do bầy tôi của triều Nguyễn
sau này đặt ra kể chuyện Gia Long bị quân đội Tây Sơn
đánh đuổi rồi rước Pháp trở về xâm chiếm Gia Định.
Mười ba năm làm bãi chiến trường, từ miền Cần Giờ
đến tận Cà Mau, U Minh, các đảo trên vịnh Xiêm La.