kiệt quệ, nợ nần chồng chất, đời sống càng ngày càng khốn khó hơn, chắc
phải kiếm thằng nào hơi ba trợn một chút mà lấy cũng được, vì cô đừng
mong gia đình may nổi cho cô một tấm áo cưới.
Lúc đó cô đã oán ghét cha và cả nhà vô cùng. Cô dâu không áo cưới thì
nhục nhã nào bằng? Cô đâu phải là gái đã mất trinh trước khi về nhà chồng.
Đàn ông nào chấp nhận được một con vợ nghèo tới nỗi không có được một
cái áo cưới.
Chỉ dân nghèo mới hiểu thấu nỗi nhục của sự đói khổ. Dân nghèo chịu áp
lực từ mọi phía, người chung quanh, chủ đất, số kiếp, năm tháng…Họ là
những kẻ ăn xin của bố thí thường trực. Nghèo là nghèo từ đời nọ tới đời
kia. Đổ mồ hôi sôi nước mắt lương thiện làm ăn mà ngoi lên được là
chuyện xưa rồi. Càng lương thiện, càng chuốc thêm nhục nhã.
Lucia cố quơ quào mà chuyện sống chẳng thay đổi được gì. Bỗng đâu có
một lá thư tới từ nước Mỹ: một anh chàng hàng xóm chơi với cô từ thuở hai
đứa tóc còn để chỏm, viết thư bảo cô sang Mỹ sống cùng hắn. Dĩ nhiên là
cưới hỏi đàng hoàng. Chính hai ông bố đứng ra trực tiếp thu xếp. Có điều là
Lucia Santa không tài nào hình dung ra gương mặt người bạn thuở ấu thơ
này.
Vậy là trong một ngày đẹp trời, Lucia Santa cùng hai cô gái làng nữa, được
cha mẹ, cô dì, chú bác vừa khóc vừa đưa các cô ra toà thị chính, tới nhà thờ
làm lễ thành hôn. Đám cưới mà không có chú rể, Lucia Santa đau xé lòng.
Càng buồn thảm hơn khi lễ cưới xong là ba cô dâu phải xuống tàu từ
Naples tới New York, theo luật pháp Mỹ.
Như trong mơ, Lucia Santa bước vào miền đất của sắt và đá, ngay đêm đầu
tiên, cô ngủ với con người xa lạ từ nay là chồng hợp pháp của cô. Rồi cô
sinh cho anh ta được hai đứa con, khi mang thai đứa thứ ba thì anh ta bị
chết trong một tai nạn do bất cẩn. Cô chấp nhận tất, chẳng hề than thân