Lưu Tuyên không trả lời mà cứ phủ phục dâng tấu. Hốt Tất Liệt sai
quan thị độc đọc lên cho mọi người cùng nghe. Tấu rằng:
" Thần là lễ bộ thượng thư Lưu Tuyên muôn nghìn lo sợ dâng tấu lên
thánh thượng đại hoàng đế nhà Đại Nguyên.
Nước ta mấy lần đánh Nhật Bản, trăm họ oán hờn, quan phủ nhiễu
nhương. Mùa xuân năm nay bãi binh, quân dân Giang Triết mừng reo như
sấm. An Nam là nước nhỏ, thần phục đã lâu năm, tuế cống chưa từng sai
hẹn. Vì biên cương sinh sự hưng binh nên kẻ kia trốn chạy ra hải đảo, khiến
cất đại quân đi mà không được công trạng gì, tướng sĩ tổn thương nhiều.
Nay lại xuống mệnh đi đánh nữa, ai nghe thấy cũng lo sợ. Từ xưa, dấy quân
tất phải theo thiên thời. ở Trung Nguyên, đất bằng còn phải tránh giữa mùa
hạ. Giao Quảng là đất viêm chướng, khí độc hại người còn hơn gươm giáo.
Nay định tháng Bảy hội các quân ở Tĩnh Giang tới An Nam, tất nhiều
người mắc bệnh chết, khi cần kíp gặp giặc lấy gì ứng phó.
Giao Chỉ lại không có lương, đường thuỷ khó đi, không có xe ngựa
trâu bò chuyên chở thì không thể tránh được khuân vác theo đường bộ. Một
người phu gánh năm đấu gạo, đi về ăn hết một nửa, quan quân chỉ còn được
một nửa. Nếu có mười vạn thạch lương, dùng bốn mươi vạn người cũng chỉ
đủ lương cho quân ta ăn trong một hai tháng. Chuyên chở, đóng thuyền,
phục dịch việc quân phải dùng năm mươi, sáu mươi vạn người. Quảng Tây,
Hồ Nam bị điều động luôn, dân ly tán nhiều, lệnh cho cung dịch cũng
không thể làm được. Huống chi Hồ Quảng rất nhiều khe động, vốn là nơi
ẩn nấp của kẻ trộm cướp. Vạn nhất kẻ gian dò được, chờ lúc đại binh đi
khỏi, thừa cơ gây biến. Tuy có quân mã bảo vệ nhưng toàn là già yếu mệt
nhọc thì cự địch sao nổi.
Sao không nghĩ đến việc cùng người hiểu biết sự thể của phía quân
bên kia mà bàn bạc phương lược vạn toàn. Không làm như vậy e rằng lại
dẫm vào vết xe cũ.