Nhà vua nghe theo, trên đường đi bắt dân phục dịch rất là khổ cực,
người chết nhiều lắm, tiếng ta oán của bách tính lan đến tận hang cùng ngõ
hẻm. Vua lại sai sứ thần sang Chiêm Thành sắc phong cho vua nước ấy.
Khi trở về, sứ thần mang theo một khúc nhạc Chiêm nghe rất thê lương, ai
oán. Cao Tông thích nghe khúc nhạc ấy lắm. Các quan nhiều người khuyên
vua nên bỏ đi. Phạm Bỉnh Di cự lại rằng:
- Ý vua là ý giời. Vua thích là giời thích, việc gì phải bỏ.
Cao Tông cho là phải, ngày nào cũng sai nhạc công tấu bản nhạc ấy
vài lần, ai nghe cũng cảm thấy buồn thảm mà sa lệ. Tăng phó là Nguyễn
Thường than rằng:
- Bài tựa Kinh Thi nói: "Âm thanh của nước loạn nghe như ai oán giận
hờn". Nay dân loạn nước nguy, chúa thượng rong chơi vô độ, triều chính
rối ren, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong.
(Nguyên văn trong ĐVsktt)
Đàm Dĩ Mông lại tâu với nhà vua:
- Bản nhạc này thật là sang trọng, cần có một cung điện hợp với nó,
âm thanh mới càng vang động lòng người, lên được tới giời.
Cao Tông cho là phải, liền sai dựng điện Kính Thiên để dâng nhạc lên
thiên đình. Bách tính vì thế mà cùng khổ không còn lời nào tả xiết. Điện
Kính Thiên làm sắp xong, có con chim khách vào làm tổ trên mái, đẻ một
đàn chim con. Đỗ Kính Tu tâu rằng:
- Xưa Nguỵ Minh đế làm gác Lăng Tiêu, có con chim khách đến làm
tổ, Cao Đường Long can rằng: "Thần từng nghe câu: Chim khách có tổ,
chim cưu đến ở. Nay chim khách đến ở nơi cung khuyết, theo ngu kiến của
thần thì gác ấy có làm xong nữa tất có người họ khác đến ở". Xin bệ hạ xét
lời của Cao Đường Long, trước cốt sửa đức, sau hãy khởi công mới phải.