Buổi trưa các vị chức sắc trong làng ra làm lễ dâng hương thờ phật rồi
tụ họp ngoài đình ăn cỗ hoàn công thợ, có quan huyện Nguyễn Vĩ Thố về
dự. Phạm Hữu là quan hưu chức có công nên cũng được mời. Khi rượu đã
ngà ngà, Vĩ Thố bảo Phạm Hữu:
- Thật tiếc cho cha con ông, khi chiến tranh loạn lạc thì xông pha nơi
trận mạc, lúc thái bình có cơ hội thăng quan tiến chức, làm ăn được lại bỏ
về. Tiếc quá! Tiếc quá. Giá ông ở lại...
Phạm Hữu lúc ấy còn tỉnh táo nhưng vờ say, gật gù nói:
- Quan lớn nói phải lắm. Nhưng làm quan đâu có dễ, cần phải có tài,
phải không ạ?
Vĩ Thố đắc ý gật gù:
- Đúng rồi!
- Phải có khả năng che chắn đấu đá phải không ạ?
- Đúng!
- Phải biết dò đoán được ý quan trên mà chiều, phải biết kín đáo ăn
chặn của dân, phải biết vu tội cho người ngay thẳng, phải có nhiều mưu mô
để vơ vét cướp đoạt mà dân chúng vẫn phải coi mình là phụ mẫu chi quan
công minh liêm chính, tóm lại là phải cực gian thâm có phải không? Những
tố chất quý báu ấy cha con tôi không có thì làm quan sao được.
Vĩ Thố biết Phạm Hữu xỏ xiên mình nhưng không có cớ đàn hặc, cười
méo mó, nói:
- Ông Hữu say rồi! Ông Hữu say rồi.
Phạm Hữu cầm chén đứng dậy bước ra giữa đình nói: