hơn. Đến ngày hẹn, nàng định làm mặt giận để chọc khổ Khánh Dư. Nhưng
vừa trông thấy chàng ngồi đợi trên phiến đá phẳng mà hai người thường
hẹn hò nhau trong thạch động, Thiên Thụy không kìm được lòng mình,
chạy vội về phía chàng. Cả hai quên hết những điều hờn dỗi. Bao nhiêu nỗi
nhớ nhung buồn khổ đều biến thành những cử chỉ âu yếm. Cặp trai gái
đang say mê trong cơn hoan lạc thì có tiếng xôn xao rồi ba bốn người hiện
ra sau lối ngoặt. Cặp uyên ương chưa kịp rời nhau ra, mấy người kia đã đến
ngay trước mặt. Điều tệ hại nhất là người dẫn đầu chính là công tử Nghiễn.
Thì ra hôm nay công tử mới vừa từ Vạn Kiếp lên, chàng đến thăm công
chúa, vị hôn thê mà bao ngày mong đợi. Thị nữ nói là công chúa chơi trong
ngự hoa viên nên chàng đến đây tìm nàng, không ngờ lại bắt gặp cảnh
tượng trớ trêu này. Trong giây lát Quốc Nghiễn đã hiểu ra tất cả, lòng tự ái
và khí uất tưởng bốc tận trời xanh, chàng rút kiếm lao về phía Khánh Dư
nhưng may thay người tuỳ tướng đứng bên kịp ngăn chàng lại. Quốc
Nghiễn bỏ đi. Công chúa Thiên Thụy bưng mặt khóc như đứa trẻ vừa đánh
vỡ thứ đồ chơi quý.
Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang vừa ở triều về đã nhận ngay
được thư từ hôn của Hưng Đạo vương và Quốc Nghiễn gửi hoàng Thượng
cùng bức thư nhờ ông bày tỏ việc công chúa Thiên Thụy thông dâm với
Trần Khánh Dư. Quốc Khang vò đầu bứt tóc không biết vì đâu cơ sự lại trở
nên như vậy. Vốn là người trung thực và tận tụy, ông lật đật trở lại hoàng
cung, tâu trình mọi việc cùng Thánh tông. Thánh tông nghe xong, sai người
tức tốc đi gọi Trần Khánh Dư, Hưng Đạo vương và Quốc Nghiễn về triều
để đối chất. Mặt khác sai thái giám khám xét nơi ở của công chúa Thiên
Thụy, bắt được bức thư của Trần Khánh Dư.
Hôm sau triều thần phân xử. Quốc Nghiễn cứ những điều mắt thấy tai
nghe kể lại làm các quan không nhịn được cười. Khánh Dư và công chúa
Thiên Thụy cũng không chối cãi. Thánh Tông vì sợ mất lòng Hưng Đạo
vương, phán: