quân nọc Hồ Miêu ra đánh. Nguyên Bá thấy vậy chỉ cười. Nguyễn Nộn hỏi
vì sao tướng quân lại cười. Nguyên Bá Nói:
- Chẳng lẽ thượng công không biết trước kia Hàn Tín không chỉ báo
ân phiếu mẫu mà còn hậu đãi cả gã bán thịt hay sao? Vả lại nếu không có
Hồ Miêu tố giác, thượng công đâu có ngày nay.
(Hàn Tín nghèo khổ, bị gã hàng thịt bắt chui qua háng. Bà phiếu mẫu
giặt vải bến sông, thương Tín đói, thường cho ăn cơm. Sau này Tín làm đại
tướng của Lưu Bang, được phong tước Tề vương, đem nghìn lạng vàng trả
ơn phiếu mẫu, lại trọng đãi cả gã hàng thịt)
Nguyễn Nộn sực tỉnh liền mời Hồ Miêu ngồi cùng uống rượu. Chuyện
đó đồn đi, ai nấy đều cho Nguyễn Nộn là người rộng rãi, không chấp kẻ
dưới nên nhiều người tìm đến xin theo.
Ở làng Cao Duệ (Cao Duệ: Thường gọi là làng Rồng, thuộc huyện
Trường Tân, Hồng châu - nay là làng Cao Duệ, xã Nhật Tân, huyện Gia
Lộc, Hải Dương), huyện Trường Tân thuộc Hồng châu có hai chàng trai là
Nguyễn Bằng và Phạm Hữu rất thân với nhau. Cả hai người đều theo học
một ông thầy ở làng Đạo Phái (Đạo Phái: Nay thuộc huyện Thanh Miện,
Hải Dương ). Hôm ấy hai người đi học về qua cánh đồng, thấy đám trẻ
chăn trâu đùa vui, dừng lại xem. Một đứa trong đám trẻ nói:
- Con trâu nhà tao cày mỗi ngày được năm sào ruộng.
Một đứa khác bảo :
- Trâu nhà mày khoẻ thế nào bằng trâu nhà tao được!
Đứa kia nói:
- Trâu nhà tao húc mỗi nhát, trâu nhà mày đi đời.