- Vâng! Con xin vâng theo ý ông.
Ở nhà gã hoạn lợn ra, Mai Thị như người mất hồn, tuy không được
học hành nhưng cô cũng hiểu chữ trinh đáng giá ngàn vàng, chỉ có thể dành
cho người mình yêu. Vậy mà bây giờ chữ trinh ấy đã bị gã hoạn lợn bôi
nhọ lên rồi. Tủi thân, cô đứng khóc bên bờ sông, mặc cho gió lạnh luồn qua
manh áo rách bỡn cợt cái thân xác tả tơi khốn khổ của mình. Cô biết đi đâu
về đâu giữa nơi đất khách. Trời cao đất dày nào có hiểu thấu nỗi thống khổ
của cô, chỉ có dưới kia dòng sông đỏ quạch phù sa chảy cồn cào như
khuyến khích cô về với nó. Mai Thị đã toan gửi thân vào dòng nước nhưng
cô cảm thấy đứa bé trong bụng đang cựa quậy. Cô không có quyền cướp đi
mạng sống của nó. Nó không chỉ thuộc riêng cô. Nó là con anh ấy. Cô chết
đi nghĩa là cô giết hại nó, tội đó dẫu có xuống đến mười tám tầng địa ngục
cũng không sao chuộc hết. Cô phải sống vì nó, vì anh ấy. Nghĩ vậy, Mai
Thị thất thểu bước đi, bóng cô dật dờ giữa khoảng đồng không, dưới bầu
trời đầy mây đen và gió lạnh. Đến một ngã ba đường, cô gục xuống bãi cỏ.
Trong bóng tối huyền hoặc của trạng thái nửa mê nửa tỉnh, cô nghe tiếng ai
đang hú hồn gọi cô về. Tiếng hú sao mà thê lương thảm thiết quá, nó như
xiết vào không gian, hút trong từng cơn gió lạnh, làm cô thấy toàn thân nổi
da gà, rùng mình mở mắt. Có tiếng người cười nói:
- A! Tỉnh rồi đây.
- Không chết được đâu. Hôm trước có mấy người cũng lả đi thế này,
cho húp vài miếng cháo là tỉnh ngay thôi mà.
- Mấy người hẵng dãn ra một tí. Người đói lả thì có gì lạ mà cũng xúm
lại xem, bỏ cái váy này ra được rồi đấy.
(Thời trước dân ta thường lấy chiếc váy cũ của bà già quạt cho người
bị ngất để cấp cứu)