Nói xong, Mai Thị chỉ đứa bé ngồi bên sọt bánh đa. Cô sung sướng
trào nước mắt, nghĩ thế nào Thừa cũng chạy lại ôm con nhưng Trần Thừa
nói:
- Ô! Cô này nói gì lạ vậy, tôi làm sao có con với cô được.
Nói xong Trần Thừa bỏ đi, mặc cho Mai Thị đứng khóc ngay giữa
chợ. Có người biết nhà ông Trần Lý ở Lưu Gia, mách đường cho Mai Thị
tìm đến nhưng Trần Thừa nhất định không nhận Bà Liệt là con mình. Ông
Trần Lý không biết làm thế nào, đành cho đứa bé một số tiền, bảo mẹ con
bế nhau về. Mai Thị không nhận tiền, nói:
- Anh Thừa đã có con với tôi, nay dù anh quên lời nói cũ mà không
nhận con, tôi cũng không biết làm thế nào nhưng trước sau gì thằng bé này
cũng vẫn là con của anh. Từ nay dù anh có đi đến đâu, tôi cũng mang nó đi
theo. Tôi không cần anh nuôi nó, chỉ cần đừng để nó không có bố là được.
Sau này Trần Thừa lấy vợ họ Lê, có con, có công hộ giá được phong
làm nội thị phán thủ, mang gia quyến lên kinh thành ở. Mai Thị cũng đem
Bà Liệt lên thành Đại La, hai mẹ con vẫn sinh sống bằng nghề bán bánh đa.
Bà Liệt càng lớn càng khoẻ mạnh, vạm vỡ, thường cùng bạn bè rủ nhau đi
học võ, đánh vật, bắn cung môn nào cũng tỏ ra xuất sắc. Khi Trần Tự
Khánh chết, Trần Thừa được phong làm phụ quốc thái uý, tiếng tăm lừng
lẫy. Thừa cho tuyển trong dân những trai tráng có sức khoẻ, giỏi võ nghệ,
lập một đội võ vật. Bà Liệt về nói với mẹ xin được đi tòng quân.
Mai Thị nói:
- Con muốn đầu quân, mẹ không giữ nhưng phải gắng sức lập công
đừng để mang tiếng xấu cho cha đấy nhé.
Bà Liệt nói với viên hiệu uý, xin vào đội võ vật. Viên hiệu uý thấy Bà
Liệt rất giống Trần Thừa, buột miệng hỏi: