Một lính Mỹ ngóc đầu lên, gắt:
— Mẹ kiếp… Làm cái gì mà ồn ào thế?
Ông Giáo sư yên lặng.
Leo nói:
— Ngủ đi một chút cho đỡ mệt, rồi chúng ta đi nốt nửa đường về. Ông
hút điếu thuốc nữa, uống cà phê đi.
Hút xong điếu thuốc, hai người dựa đầu lên thành ghế, lim dim ngủ. Ông
Giáo sư ngủ say ngay trong khi Leo vẫn thức.
Ngủ không được, Leo ngồi thẳng lại, đưa mắt nhìn những mẩu bánh vụn
rơi vãi giữa những vòng tròn nước cà phê trên mặt bàn gỗ. Chút cà phê đặc
cuối cùng trong đáy ly trước mặt phản chiếu ánh vàng của bóng điện trên
trần. Anh không thấy thương hại ông già, anh không thể thương được. Nỗi
đau khổ của anh chạy trong máu anh như liều thuốc diệt tiêu cảm giác
thương hại ấy. Nhưng giờ đây anh đã biết mẹ anh trước đây đau khổ như
thế nào vì anh, cho anh, một nỗi đau khổ tàn ác. Tâm trí mệt mỏi và chập
chờn của anh bắt đầu xoay quanh giấc mộng mơ hồ trong đó vô số những
kẻ ác độc bị giết đi với công lý thật đúng, và cái chết lan tràn như một bệnh
dịch làm chết lây nhiều người vô tội khác. Không còn cách giải quyết nào
khác, trước sau gì cũng phải như thế. Rồi trước khi đầu anh ngả lên thành
ghế và anh đi vào giấc ngủ, anh mơ hồ nghĩ đến một giải pháp khác, một
giải pháp tuyệt vời, thần kỳ, đó là việc trước khi giết một kẻ phạm tội nào
khác người ta phải cho những người yêu thương kẻ phạm tội đó một liều
thuốc quên, liều thuốc sẽ làm cho những kẻ yêu thương khốn nạn này
không còn đau khổ. Rồi trong giấc mơ, anh thấy anh cầm một ống tiêm lớn
như ống bơm xe đạp, hút chất thuốc đặc quánh trong ly cà phê đen và ánh
vàng óng ánh trong đó vào ống, rồi anh chích mũi kim vào gáy ông Giáo
sư. Anh ấn sâu mũi kim cho đến lúc đầu kim xuyên qua xương sọ ông già
và anh nhìn thấy chất thuốc trong ống vơi dần. Ông Giáo sư ngước khuôn
mặt lên anh, nét mặt ông hân hoan, biết ơn, cảm kích.
Họ ngủ cho đến khi trời sáng hẳn và ánh nắng mùa xuân đã chiếu vàng
trên xa lộ. Họ đi nốt đoạn đường dài về Bremen trên xe nhưng không nói gì