đóng cửa. Lúc đó tôi cũng thất nghiệp. Tại sao cậu không theo chúng tôi?
Leo ôm đầu. Đề nghị của Mosca không làm anh xúc động. Anh thật
dửng dưng không có cảm tình với Mosca. Với giọng chua chát, Leo hỏi:
— Người Do Thái có được an toàn ở Mỹ không?
— Tôi nghĩ như vậy.
— Cậu chỉ nghĩ thôi à?
— Không có gì chắc chắn.
Leo không nói gì. Chàng nghĩ đến binh sĩ Anh trong quân phục len,
những kẻ trước đây đã khóc khi giải thoát chàng và những tù binh trong các
trại tập trung. Họ đã cởi quần áo, tặng hết lương thực trên các xe ô tô. Lúc
ấy chàng tin rằng cha chàng đã nói đúng, là con người thật tốt, là ai ai cũng
có lòng nhân và tình thương nhiều hơn là thù hận.
Leo nói với Mosca:
— Không, tôi không thể đi với cậu. Tôi đã thu xếp để về Palestine. Tôi
sẽ lên đường trong vài tuần tới.
Chợt thấy mình cần giải thích cho Mosca hiểu, Leo nói:
— Tôi chỉ yên tâm khi về tới nước tôi, sống chung với đồng bào tôi.
Leo biết Mosca có cảm tình cá nhân và sẵn sàng bảo vệ chàng, nhưng
Mosca sẽ không bảo vệ cho một người Do Thái không quen biết. Cho nên
mối cảm tình đó chưa đủ. Leo lo ngại cho an ninh của mình, dù là ở Mỹ và
dù anh đạt được các thành công vật chất to lớn đến mức nào. Luôn luôn anh
lo sợ không được an toàn trước những sức mạnh, những người bạn như
Mosca cũng không đương đầu nổi với sức mạnh đó. Khuôn mặt của kẻ giải
phóng và khuôn mặt của kẻ tra tấn cũng là một. Bạn với thù cũng chỉ là kẻ
thù. Leo nhớ tới cô gái cùng sống chung với chàng trong thời gian mới ra
khỏi trại Buchenvald, một cô gái Đức gầy ốm và vui tươi. Chàng đã vào
đồng quê mua một con ngỗng và mấy con gà. Lúc chàng khoe đã mua được
với giá thật rẻ, nàng ngước lên cười bảo: “Anh là một thương gia giỏi.” Bây
giờ chàng mới hiểu được ý nghĩa lời đó. Nàng đã lo lắng cho chàng, yêu
mến chàng, nhưng câu nói ấy có vẻ chua chát và chàng không thể quên