lót. Chỉ có điều là pampers. Tất nhiên là mẹ không biết pampers là cái gì,
nhưng mẹ cũng hơi hơi có khái niệm về loại tã lót này nên hỏi:
- Sao chị lại giặt tã dùng một lần?
- Đây là đồ ngoại. Hàng Mỹ đấy. Không thấm nước, nhưng vẫn phải
giặt.
Thực tế là như vậy. Hơi vô lý, hơi ảm đạm, nồng nặc mùi những bãi
của trẻ sơ sinh và hỗn hợp sữa nhân tạo hâm nóng.
Cuộc đến thăm nhà Adam đã khiến tôi hoàn toàn suy sụp. Nhìn đứa bé
của cậu ta tôi chỉ muốn khóc. Bé nhăn nheo và mong manh. Cái gì cũng bé
tí tẹo. Những ngón tay, bàn tay, cái mũi bé tí xíu. Natasa cho bé bú.
Ngực cô ấy to như quả bóng bay, còn đứa trẻ được treo trên bầu ngực
ấy thì mút dòng sữa truyền sự sống. Có một cái gì đó bóp nghẹt trong tôi.
Tôi nghĩ là mình sẽ không bao giờ còn có thể có con được nữa. Mình sẽ vô
sinh cho đến hết đời.
Adam tiễn tôi ra bến xe buýt. Tôi nhìn cậu ấy qua cửa kính xe. Adam
cứ nhỏ dần nhỏ dần. Không biết cậu ấy có thấy tiếc những ngày xưa? Khi
mà cậu ấy có thể ra khỏi nhà bất cứ lúc nào, lên tàu và đi đâu đó? Có thể
không về nhà qua đêm mà không cần phải giải thích với bất cứ ai…
Tôi nghĩ rằng có lẽ mình hơi nhớ Adam.
Hình như người đàn ông đầu tiên là người mà ta nhớ cho đến hết đời.
Hình như…
Dào ôi, thật vớ vẩn…
Khi đã lớn hơn một chút, tôi ngủ chung giường với mẹ. Mẹ ôm tôi, đặt
tay lên bụng tôi và thầm thì: “Của mẹ đây, của mẹ đây, của mẹ đây”…
Tôi thầm thì lại với mẹ: “Của con đây, của con đây, của con đây”… và
chúng tôi thiếp đi.
Khi ấy, mẹ là người đàn bà hạnh phúc nhất trên trái đất này.