15
T Ạ I S A O M Ấ T N Ư Ớ C T H Ờ I T Ự Đ Ứ C ?
600 quan triều đình bận triều phục giống như triều nhà Minh, các
lễ nghi cũng thế, rất bảo thủ theo Khổng giáo. Đại thần nổi tiếng
dưới triều Tự Đức chỉ có ba người Trương Đăng Quế, Phan Thanh
Giản và Nguyễn Tri Phương. Các quan Nguyễn Văn Tường, Tôn
Thất Thuyết, Hoàng Kế Viêm, Trần Tiễn Thành, Phan Đình Bình,
Nguyễn Hữu Độ (có nơi chép là Nguyễn Hữu Du?) còn ở vào hàng
thứ yếu.
Từ năm 1861 đến 1874 triều đình Tự Đức thực hiện có đến
một chục chính sách cải cách: cải cách thi cử (1865) để lựa chọn
quan lại theo đạo đức Nho giáo “trung quân ái quốc”, hầu củng cố
thêm quyền lực tối cao của nhà vua, trong lo sợ vì Tự Đức không
có con ruột nối dõi; cải cách thuế để tăng mức thâu thuế ruộng
lúa tư nhân (1875); cải cách binh bị (1876)..., nhưng không theo
một chiều hướng canh tân đổi mới có lợi cho dân. Tuy Tự Đức có
thâu nhận những thông tin của thời đại, về sự phát triển của các
nước phương Tây, nhưng lại vấp phải hai trở ngại chính: tinh thần
bảo thủ ngăn trở sự hấp thụ khoa học kỹ thuật, và bộ máy quản
lý hành chánh quá nhiêu khê rườm rà cản trở sự thực hiện các
phương án mới.
Tự Đức có tiếng là một người thông minh. Dù thể tạng yếu
đuối, nhưng không phải là nhà vua không am hiểu tình hình. Nhà
vua có để ý thâu lượm tin tức về nước Pháp, về Âu châu, ít nhất là
qua các bản trần tình của Nguyễn Trường Tộ. Nhưng vua Tự Đức
ngăn chận sự phát triển xã hội vì hai điều cơ bản: 1. Nhà vua sợ
trong xã hội sẽ hình thành một tầng lớp tư nhân giàu có, sẽ tạo
ra một thế lực mới đối nghịch với ngai vàng (tư bản chống quân
chủ), cho nên mới quảng bá tinh thần “nhà Nho thanh bạch”.