269
ĐỀ THÁM - NGƯỜI ANH HÙNG HAY THẰNG GIẶC?
Ông ta chịu đựng bàn tay của đao phủ sửa soạn thong thả, không
hấp tấp, xếp đặt tư thế để chém như một nhà điêu khắc đang nắn
một bức tượng, cái đầu cúi xuống, chập vào ngực, hai đầu gối phải
xòe doãi ra, với một sự chấp nhận bình thản làm xé trái tim người
chứng kiến. Người đao phủ xắn ống quần rộng lên tận đầu gối,
nhổ một cụm nước bọt đỏ tươi màu trầu, quét một vệt nước bọt đỏ
lên gáy kẻ tử tù để làm dấu chỗ chém. Quan viên hất tay ra lệnh.
Đao phủ nắm thanh gươm bằng hai tay, lưỡi gươm rộng bản lấp
lánh sáng như một nửa vòng tròn trong không gian, cái đầu bay
lên rồi lăn trên mặt đất, trong khi cái thân gục xuống phía trước,
một dòng máu bắn ra từ các mạch máu bị cắt. Trong khi đao phủ
chùi thanh gươm đẫm máu trên mặt cỏ, một người lính cắm lên
chỗ hành quyết một tấm mộc nhỏ ghi bản án, rồi nắm chùm tóc
của cái đầu đặt vào một cái rọ. Cái đầu bị chém đặt trong rọ, theo
lệnh, sẽ được treo trên cây ở đầu làng bị cướp, để làm gương...”
Sau đó, Jean Ajalbert, kể thêm về thực trạng của ông vào
năm 1903:
“... Trước tiên, trong đám bồi phòng (boys), dấy lên mầm
mống bóc lột người Âu châu. Thật là định mệnh. Chúng ta đến
một nước xa lạ, không hiểu một chữ. Đám bồi lợi dụng thế yếu.
Chúng ta thuê bất cứ một ai làm bồi mà không có chỉ dẫn, bảo
đảm. Làm sao tìm bắt được những thằng vô tích sự này sau khi
nó đã ăn cắp? Tại Pháp, chúng ta không kêu gào “ăn cướp” khi
một người hầu phòng hút trộm một điếu thuốc lá của chúng ta.
Nhưng ở đây, chúng ta kêu to lên “ăn cướp” chỉ vì một mẩu thuốc
lá: đó là điều cần thiết để phòng ngừa ngày mai chúng nó sẽ lấy
luôn cả hộp...”