Những bậc cha mẹ không thể chấp nhận chính bản thân mình – cuộc sống, ngoại hình
hay thành công của cá nhân họ – đặc biệt có nguy cơ muốn con cái trở thành mọi thứ mà
họ không có được. Tôi thường xuyên nói chuyện với các vị phụ huynh nổi giận với con vì
chúng không trở thành những học sinh, vận động viên, đối thủ hay nhà lãnh đạo tốt hơn.
Khi con cái làm họ thất vọng, họ sẽ chĩa mũi nhọn vào chúng:
Tưởng là con phải biết chơi violon, hay ít nhất là guitar chứ.
Tưởng là con thích đọc sách chứ.
Tưởng là con sẽ không phải chiến đấu với vấn đề cân nặng (như cả cuộc đời mẹ) và
đặc biệt là lại thua trận công khai như thế.
Tưởng là con sẽ không gặp rắc rối ở ngôi trường mà chính mẹ là thành viên của hội
đồng nhà trường chứ.
Tưởng là con sẽ không vụng về trong giao tiếp đến vậy khi bố mẹ luôn ủng hộ con và
là những người có học thức chứ.
Những bậc cha mẹ chuyển nỗi thất vọng của mình sang con cái có thể đang rơi vào một
cái bẫy đã có từ bao đời nay. Cha mẹ thường coi con cái là nỗ lực cuối cùng để thực hiện
những ước mơ cũ và chưa thành của mình. Nhưng tôi nghĩ điều này đang trở nên phổ biến
hơn vì bọn trẻ mới lớn không có nhiều vai trò rõ ràng khác trong gia đình. Ngày nay, đa
phần bọn trẻ mới lớn được bảo vệ khỏi bất cứ công việc gì trông có vẻ nặng nhọc hay nguy
hiểm. Chúng ta để chúng làm việc theo cách khác: học bài cho đến khuya và dành cả kỳ
nghỉ cuối tuần để theo dõi vòng đấu khúc côn cầu. Công việc của chúng là gì ư? Mang vinh
dự và sự yên tâm về cho gia đình. Cha mẹ hiếm khi lớn tiếng thừa nhận những mục tiêu
này với con cái nhưng nếu có, họ sẽ nói những thứ kiểu như:
Chỉ cần Marnie tăng điểm SAT của con bé thêm 100 điểm nữa thì chúng ta đã thành
công rồi. Cùng với những gì còn lại trong hồ sơ, điều đó sẽ khiến con bé trở thành
ngôi sao của lớp học. Một điểm cho các bà mẹ ở nhà!
Giờ thì Tyler đang chơi cho đội bóng đá của trường đại học và là đội trưởng của đội
bơi lội. Cuối cùng thì bố tôi cũng phải ghi nhận những gì tôi cố gắng thực hiện trong
cuộc đời mình đã có kết quả. Nếu so với những đứa cháu khác của ông thì chẳng có gì
phải bàn cãi nữa.
Nhưng việc thực hiện những ước mơ của bố mẹ (hoặc ông bà) là một gánh nặng khủng
khiếp với đôi vai của bọn trẻ mới lớn, nó nặng nề như việc phải đi cày ruộng suốt nhiều
ngày dài và mệt mỏi vậy.
Một vài bậc cha mẹ không hiểu rõ sự thất vọng của họ được chuyển sang con cái mình
hay nó có ảnh hưởng sâu sắc đến chúng như thế nào. Hiệu trưởng của một trường dành cho