món nữa cho mình. Mẹ cậu bé nói rằng ở cửa hàng, cậu tỏ ra buồn bã vì
không nhận được quà như Bean. Cô bạn Nancy của tôi nói với tôi về một
triết lý làm cha mẹ mới, trong đó, bạn không bao giờ để cho con mình
phải nghe từ “không”, như vậy thì bé sẽ không thể nói từ đó lại với bạn.
Trong cuốn Một đứa trẻ hạnh phúc (A Happy Child), nhà tâm lý học
Pháp Didier Pleux tranh luận rằng cách tốt nhất để khiến một đứa trẻ
hạnh phúc là làm cho bé thất vọng. “Như thế không có nghĩa là bạn
thường xuyên không cho bé chơi, hay bạn tránh không ôm ấp bé,” Pleux
nói. “Tất nhiên ta phải tôn trọng sở thích, nhịp điệu và tính cách riêng
của bé. Chỉ đơn giản là đứa trẻ phải học, từ khi còn rất nhỏ, rằng thế giới
này không phải chỉ có một mình bé, và rằng luôn có thời gian cho tất cả
mọi việc.”
Tôi sững sờ vì những kỳ vọng của người Pháp khác biệt đến thế nào
khi – cũng trong kỳ nghỉ bên bờ biển mà tôi đã được chứng kiến tất cả
trẻ em Pháp vui vẻ ngồi ăn trong nhà hàng – tôi đưa Bean vào một cửa
hàng đầy những thẳng tắp áo phông “thủy thủ” kẻ sọc sáng màu. Bean
lập tức bắt đầu kéo chúng xuống. Con bé gần như không dừng lại chút
nào khi tôi mắng nó.
Đối với tôi, thói quen xấu của Bean dường như là điều có thể đoán
được ở một đứa trẻ chập chững. Vì vậy tôi ngạc nhiên khi người bán
hàng nói, không hề có ý gì xấu: “Tôi chưa từng thấy đứa trẻ nào làm như
vậy cả.” Tôi xin lỗi và vội vàng kéo Bean lao ra khỏi cửa hàng.
Walter Mischel nói rằng chiều theo ý trẻ sẽ bắt đầu một vòng luẩn
quẩn nguy hiểm: “Nếu bọn trẻ đã có kinh nghiệm rằng khi được yêu cầu
phải đợi, nếu chúng la hét, mẹ sẽ tới và sự chờ đợi sẽ chấm dứt, chúng sẽ
nhanh chóng học được cách không chờ đợi. Không chờ đợi, la hét và cứ
thế mè nheo mãi đến khi được đáp ứng.”
Cha mẹ Pháp lấy làm vui vì sự thật rằng mỗi đứa trẻ có tính khí
riêng. Nhưng họ cũng thấy rất đương nhiên rằng bất cứ đứa trẻ khỏe
mạnh nào cũng có khả năng không mè nheo, không suy sụp sau khi bị
nói “không”, và thường không vòi vĩnh hay vồ lấy mọi thứ.
Cha mẹ Pháp thiên hơn về phía coi các đòi hỏi có phần ngẫu nhiên
như những sở thích bốc đồng. Họ không có vấn đề gì với việc nói không
trước những đòi hỏi đó. “Tôi nghĩ phụ nữ Pháp hiểu sớm hơn phụ nữ
Mỹ rằng trẻ nhỏ có thể có các đòi hỏi và những đòi hỏi đó đôi khi thiếu
thực tế,” một bác sỹ nhi khoa chuyên điều trị cho trẻ em Pháp và Mỹ
nói với tôi.
Một nhà tâm lý học người Pháp viết rằng khi một đứa trẻ có một sở
thích bốc đồng – ví dụ, mẹ bé đang ở trong cửa hàng cùng bé và bỗng