Theo quan điểm của người Pháp, tôi chẳng mang lại ích lợi gì cho
Bean bằng cách chiều theo những ý thích bất chợt của con bé. Các
chuyên gia và cha mẹ Pháp tin rằng nghe thấy từ “không” sẽ giải cứu trẻ
khỏi sự áp chế của chính những mong muốn của mình. “Trẻ nhỏ luôn có
những nhu cầu và mong muốn không có đáy. Đây là một điều rất căn
bản. Cha mẹ có mặt ở đó để chặn đứng những ham muốn không có giới
hạn,” Caroline Thompson, một nhà tâm lý học gia đình nói.
Caroline, có mẹ là người Pháp và bố là người Anh, chỉ ra rằng trẻ nhỏ
thường trở nên vô cùng giận dữ với cha mẹ khi bị họ cấm cản. Cô nói,
những cha mẹ Anglophone thường diễn giải cơn tức giận đó thành dấu
hiệu cho thấy họ đang làm gì sai. Nhưng cô cảnh báo rằng cha mẹ
không nên nhầm lẫn một đứa trẻ đang tức giận với một phương pháp
làm cha mẹ tồi.
Ngược lại, “Nếu người cha hay người mẹ đó không chịu được việc bị
ghét bỏ, họ sẽ không làm cho đứa trẻ thất vọng, và rồi đứa trẻ sẽ ở vào
tình huống mà nó sẽ là đối tượng cho chính sự áp chế của mình, bé sẽ
phải đối mặt với sự tham lam cùng nhu cầu muốn có mọi thứ của chính
mình. Nếu người cha, người mẹ đó không xuất hiện để ngăn bé lại, thì
bé sẽ phải là người tự kiềm chế mình hoặc không thể tự kiềm chế.”
Quan điểm của Caroline phản ánh một điều dường như được đồng
lòng nhất trí ở Pháp: Khiến trẻ nhỏ phải đối mặt với các giới hạn và phải
vượt qua nỗi thất vọng sẽ biến các bé thành những người hạnh phúc và
kiên cường hơn. Và một trong những cách chính để nhẹ nhàng gây ra
nỗi thất vọng, theo cơ sở hàng ngày, là bắt trẻ phải đợi một chút. Cũng
như với Khoảng Dừng là chiến lược giấc ngủ, cha mẹ Pháp đã tập trung
vào chỉ một yếu tố này. Họ đối xử với việc chờ đợi không phải như một
kỹ năng quan trọng giữa nhiều kỹ năng khác, mà là nền móng để nuôi
dạy con cái.