California. Anh và vợ mình, một thẩm phán, đã làm bạn với một cặp vợ
chồng Mỹ và quyết định cùng họ đi nghỉ cuối tuần ở Santa Barbara. Đó
là lần đầu tiên họ gặp con cái của nhau, bọn nhóc tầm khoảng từ bảy tới
15 tuổi.
Từ góc nhìn của người chủ nhà, kỳ nghỉ cuối tuần đó nhanh chóng
trở nên rối loạn. Nhiều năm sau, anh vẫn nhớ cách bọn trẻ con Mỹ
thường xuyên ngắt lời người lớn. Và không có bữa ăn cố định nào hết;
trẻ em Mỹ cứ việc tới chỗ tủ lạnh và lấy thức ăn bất cứ khi nào chúng
muốn.
Với cặp đôi người Pháp, có vẻ như trẻ con Mỹ là người nắm quyền.
“Điều khiến chúng tôi bất ngờ và lấy làm phiền, là các vị phụ huynh
không bao giờ nói ‘không’, anh nói. “Chúng n’importe quoi,” vợ anh
thêm. Điều này có vẻ như rất dễ lâynhiễm. “Tệ nhất là, con chúng tôi
cũng bắt đầu n’importe quoi”, cô nói.
Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng gần như tất cả những lời miêu tả
của người Pháp về trẻ em Mỹ đều có cụm từ “n’importe quoi”, nghĩ là
“gì cũng được” hay “bất cứ điều gì chúng thích.” Ý muốn nói trẻ em Mỹ
không có giới hạn cứng rắn, rằng cha mẹ chúng không có quyền lực và
rằng cái gì cũng được phép. Đó là điều trái ngược với lý tưởng Pháp về
cadre, hay khuôn phép, mà các cha mẹ Pháp hay nói tới. Cadre nghĩa
là trẻ em cần có những giới hạn cứng rắn – đó chính là khuôn phép – và
rằng cha mẹ thực thi những giới hạn đó thật nghiêm khắc. Nhưng trong
những giới hạn đó, trẻ có rất nhiều tự do.
Tất nhiên, cha mẹ Mỹ cũng áp đặt các giới hạn. Nhưng thường thì sẽ
khác với các giới hạn của các bậc cha mẹ Pháp. Thực tế, người Pháp
thường thấy những giới hạn này của Mỹ rất đáng sợ. Laurence, một vú
em đến từ Normandy, tâm sự với tôi rằng cô sẽ không làm việc cho các
gia đình người Mỹ nữa, và một vài người bạn vú em của cô cũng vậy. Cô
nói rằng cô bỏ chỗ làm việc gần đây nhất với gia đình người Mỹ chỉ sau
vài tháng, đa phần là do vấn đề về giới hạn.
“Thật là khó khăn vì trong gia đình đó, đứa bé muốn làm gì thì làm,
vào lúc nào cũng được,” Laurence kể.
Gia đình người Mỹ cuối cùng cô làm việc có ba đứa con, 8 tuổi, 5 tuổi
và 18 tháng tuổi. Với cô bé 5 tuổi, mè nheo “là môn thể thao quốc gia.
Cô bé lúc nào cũng mè nheo, nước mắt có thể tuôn lã chã ngay lập tức.”
Laurence tin rằng tốt nhất là nên lờ cô bé đi, để không khuyến khích
tính mè nheo. Nhưng mẹ của cô bé – thường xuyên có mặt ở nhà, trong
một căn phòng khác – lại thường vội vã chạy tới và đầu hàng trước bất
cứ thứ gì cô bé đòi hỏi.