Một người cha thông minh, tự biết thái độ của mình là vô lý đối với
đứa con gái bốn tuổi, mà không sao sửa được, lại hỏi ý kiến một nhà phân
tâm học, thú thực : « Thưa ông, tôi tưởng tôi hóa điên mất. Vợ chồng tôi
muốn có một đứa con, thì nhà tôi sanh được một đứa y như chúng tôi muốn.
Từ nét mặt tới hình dáng, màu tóc đều đúng với sở nguyện của tôi. Nó
không có một tật nào cả, tôi cưng nó lắm ; nhưng không hiểu sao thỉnh-
thoảng tôi muốn nghiến răng, nắm tay lại đập cho nó chết đi ».
Nhà phân-tâm học chăm chú dò xét tiềm-thức của người đó và tìm
được nguyên nhân : đứa nhỏ đó có vài nét giống bà ngoại nó, khi nó đứng
hoặc nó bĩu môi. Mà cha nó khinh mẹ vợ nhất đời. Tình trạng đó tai hại cho
đứa trẻ biết bao, nếu không kiếm ngay được nguyên nhân để cải thiện.
Một đứa nhỏ khác, ba tuổi, nói lắp từ ba tuần, mà gia đình nó mới dọn
qua nhà mới được sáu tuần. Bác sĩ hỏi bà mẹ đứa bé : « Sau khi dọn qua nhà
mới, trong gia đình bà có xảy ra chuyện gì không ? ». Bà ta đáp : « Không
có chuyện gì cả. Tôi thấy rằng từ nay tôi mới được dạy con tôi một cách
đàng hoàng ». Rồi bà mẹ phàn nàn về đứa nhỏ. Bà ghét tánh hay lý sự và vô
lễ của nó mà hai tánh đó chính là tật xấu của ông chồng. Bà bảo : « Nhà tôi
sanh ở trong một gia đình đông con mà không hòa-thuận. Từ cha mẹ đến
con cái, hễ ngồi với nhau hai phút thì là gây sự. Tôi không chịu được cái
thói đó ». Bà trách ông chồng vô lễ với mẹ, kể với bác sĩ : « Ông thử tưởng
tượng mới rồi đây, chúng tôi lại thăm bà nội bầy nhỏ. Bà đương ngồi trong
một cái ghế bành, thấy chúng tôi tới, đứng dậy nhường chỗ cho nhà tôi ; mà
nhà tôi không do dự chút nào, ngồi xuống liền ». Vừa kể bà ta vừa tỏ vẻ
khinh bỉ.
Vì thấy cảnh đó trong gia đình bên chồng, bà quyết tâm dạy con cho
« đàng hoàng ». Tới bữa cơm, bà gọi con : « Lại ăn cơm con, mau ». Đứa
nhỏ đáp : « Má để con thu xếp đồ chơi đã ». Bà lại giục : « Lại đi ». Nó lại
đáp : « Thì má để con dọn dẹp đồ chơi đã mà ». Thế là bảo nó dám cãi lại
bà. Bà bắt nó phải « cảm ơn má » hoặc « xin lỗi má » nếu nó quên thì bà
mắng là vô lễ. Lần-lần đứa trẻ hóa ngượng-ngùng, sợ sệt và nói lắp. Bác-sĩ