Truyền tới ba đời ; có lẽ còn hơn nữa, mà ta không biết đấy. Ta bắt con ta
phải chịu lây những bất công ta đã chịu hồi nhỏ. Mà hành động vô lý đó do
tiềm thức thúc đẩy, nên ta không ngờ rằng mình có tội.
Một em trai bảy tuổi còn ỉa đùn. Nó thông minh trung bình, không có
bệnh gì cả. Nó ở dơ trong ba thời kỳ, mỗi thời kỳ dài hằng tháng. Khi người
ta đưa nó tới bác sĩ thì nó đương ở trong thời kỳ thứ ba, đã kéo dài đến chín
tháng. Nó là con thứ ba trong nhà. Đứa lớn là con trai, đứa thứ nhì là con gái
chết hồi chín tháng. Bà mẹ chỉ thích con gái, sanh đứa đầu lòng đã hơi thất
vọng ; khi đứa con gái chết, bà rất buồn, mong sanh đứa con gái khác, thì lần
thứ ba, lại là đứa con trai. Bà bảo : « Con trai ở dơ, tôi ghét lắm ; sanh xong,
biết nó là con trai, tôi không buồn nhìn nó nữa ». Nhưng rồi cũng phải nuôi,
không lẽ đem cho. Bà nghĩ ra một kế ; bắt nó để tóc như con gái, bận áo con
gái, mà nó bé nhỏ, cũng hơi giống con gái. Bà tập cho nó ở sạch rất sớm, và
hồi chín tháng bà đã vui vẻ khoe rằng nó rất sạch. Nhưng khi nó mười tám
tháng, như mọi đứa trẻ bình thường khác, nó ham lê la trong đất cát. Bà giận
dữ cấm đoán, đánh đập, và từ đó nó sinh tật ỉa đùn. Bác sĩ dò xét, hiểu tâm
lý nó, cho nó biểu lộ tất cả những phẫn uất của nó ra, thì tật ở dơ của nó
giảm đi liền.
Đáng thương thay tình cảnh những đứa nhỏ lỡ sanh ra đời khi cha mẹ
chúng không muốn. Chúng tội tình gì mà chịu đọa đầy khổ nhục như quân
thù vậy ?