CHƯƠNG II : KỶ LUẬT PHẢI XÂY DỰNG
TRÊN NHỮNG QUY-TẮC NÀO
Trẻ phải theo kỷ-luật của ta. Lẽ đó rất giản dị, minh bạch, nhưng khi
thực hành mới thấy khó, và tân giáo dục với cựu giáo dục chỉ khác nhau ở
cách thức thực hành mà thôi. Mà bàn đến cách thực-hành thì trước hết phải
giải quyết được vấn đề căn bản nầy : Kỷ-luật phải xây dựng trên quy-tắc nào
để trẻ được phát triển điều hòa và tự-nhiên ? Theo tôi có năm quy tắc mà tôi
sẽ lần-lượt trình bày dưới đây.
1. Tuân theo luật sinh-lý và tâm-lý của trẻ
Như ở chương trên tôi đã nói, quy-tắc thứ nhất là phải theo luật sinh lý
và tâm lý của trẻ em. Những luật đó không thể tóm-tắt trong một chương
được, sẽ được xét riêng trong cuốn sau, cuốn Tìm hiểu con chúng ta
. Ở
đây tôi chỉ xin kể một vài trường-hợp làm thí-dụ.
Sách nào cũng khuyên ta phải tập cho trẻ ăn đúng bữa, không được ăn
vặt, để bao tử chúng được nghỉ-ngơi, dễ tiêu hóa. Điều đó rất hợp lý. Nhưng
trong trường hợp trẻ mất ăn (anorexie), hoặc bị chứng nào đó về bộ tiêu hóa
thì ta phải theo luật thiên-nhiên, không được ép chúng, cứ để chúng muốn
bú lúc nào thì bú, muốn ăn cái gì thì ăn. Dù chúng đòi ăn rất nhiều kẹo cũng
cứ cho chúng tùy thích. Có lẽ cơ-thể chúng thiếu chất đường đấy, được thỏa
mãn rồi chúng sẽ thôi.
Trẻ khoảng sáu tuổi, đương ngoan-ngoãn, đột-nhiên trải qua một thời
kỳ rất bướng-bỉnh, ta bảo cái gì, chúng cũng cãi nhất định là không nghe.
Dublineau trong cuốn Les grandes crises l’enfance bảo rằng những cuộc trở
chứng đó rất tự-nhiên, trẻ bình-thường nào cũng có. Chúng tới một giai-
đoạn mới trong sự phát-triển, thấy những năng lực mới của mình và muốn
thử nó nên đổi tính như vậy. Một bà bạn tôi không hiểu luật thiên nhiên đó,
rầy đứa trẻ suốt ngày, đánh đập nó nữa, rồi gặp ai cũng phàn-nàn rằng : « Nó