những đứa kia, ngu dốt, làm biếng, là con của mẹ nó, chứ không phải con
tôi ! ».
3. Giải phóng trẻ lần-lần
Con bọ hung cái, gần tới kỳ sinh đẻ, suốt ngày bay đi kiếm phân trâu,
bò hoặc ngựa, đem về hang, vo lại thành một cục tròn, lớn bằng hột gà,
cứng, nhẵn bóng, nhưng khuyết một lỗ nhỏ ở đầu. Công việc đó tốn biết bao
công phu ! Bạn thử tưởng-tượng chân nó nhỏ như vậy, chở biết bao lần mới
được đủ phân, rồi nó nặn cách nào, vo cách nào mà thành hình tròn như vậy
? Tới kỳ, nó đẻ trứng vào lỗ khuyết, rồi lấp lại. Công việc làm mẹ của nó thế
là xong. Ít lâu sau, trứng nở. Bọ hung con, ăn lần lần cho hết cục phân thì đủ
sức lớn, rồi bay ra khỏi hang, kiếm ăn lấy. Nó không biết mẹ nó là ai, mẹ nó
cũng không hề biết nó, mặc dầu mấy tháng trước đã tận tụy lo cho nó đủ
điều kiện để phát triển cho đến lúc trưởng-thành.
Loài chim tiến hơn một bực. Gà mái chẳng hạn, đẻ trứng rồi kiên nhẫn
ấp cho trứng nở, tận tụy nuôi cho con lớn. Cảnh nó úm con, nó dắt con đi
kiếm ăn, cục cục, nhớn nhác tìm những con lạc đàn, nhất là cảnh nó can-
đảm chống với diều hâu để che chở cho bầy con, đã làm cho chúng ta cảm
động. Nhưng khi gà con đã đủ sức kiếm ăn một mình, thì gà mẹ không nhận
ra gà con nữa, gà con cũng không nhớ gà mẹ nữa ; chúng tranh nhau, mổ
nhau nữa là khác.
Loài có vú lại tiến hơn một bực, và người ta thấy những con vượn ôm
con hàng giờ, mặt như mếu, khi con nó chết. Nhưng khi khỉ con đã lớn,
thoát ly cha mẹ rồi, thì mẹ con khỉ cũng không nhớ gì nhau nữa.
Đó là một luật của tạo hóa. Cha mẹ chỉ thương con khi con cần được
che chở, nuôi nấng. Khi con lớn, tình thương hóa vô dụng và tự-nhiên hết.
Loài người thì khác : tình cha con, tình mẹ con còn hoài. Dù con cái đã
ở riêng, dù cha mẹ đã khuất, mà lòng thương nhớ vẫn không nguôi. Và cái
uy-quyền của cha mẹ với con tuy mỗi ngày mỗi giảm nhưng không khi nào
mất hẳn.