hư quá thôi, ai lại mới bấy nhiêu tuổi mà nó cãi tôi nhoen-nhoẻn. Nhà thật là
vô phúc… ». Bị hành-hạ, đứa trẻ càng bực tức, càng tỏ vẻ cứng đầu, và
không-khí trong nhà càng khó thở. Tôi giảng cho bà đó hay luật trở chứng
của trẻ và khuyên bà đừng buồn, cứ ôn-tồn với nó, cởi mở cho nó một chút,
để nó thấy năng-lực của nó tăng tiến, thì nó sẽ vui-vẻ ngoan-ngoãn trở lại
ngay. Bà ta nghe tôi và sáu tháng sau cơ hồ như bà không còn nhớ gì những
cảnh mà trước kia bà cho là « đứt ruột » nữa.
2. Tùy theo cá tính của trẻ
Ta lại phải tùy theo cá tính của mỗi trẻ. Mỗi trẻ một khác, ta không thể
đặt kỷ-luật chung cho các trẻ được. Mua giày ta còn phải lựa cho hợp với
chân của trẻ, thì tại sao dạy chúng ta lại không theo tính tình của chúng ?
Người ta thường trách trường-học, giáo đường, là đặt những kỷ-luật chung
cho hàng ngàn, hàng vạn thanh-niên mà không kể gì tới sự sai biệt về tính
tình của các hạng trẻ. Những cơ quan đó không thể làm khác được : nhưng
trong gia-đình mà dạy trẻ cũng như dạy lính trong trại, thì rất vô ý-thức.
Đúng 9 giờ tối, đứa nào cũng phải đi ngủ. Phải như vậy tiện cho chúng ta
lắm. Nhưng, đứa bẩm chất ngủ nhiều thì mới tám giờ đã gục lên gục xuống ;
còn đứa bẩm chất ít ngủ, sẽ trằn trọc, hóa nghĩ vơ vẩn vì sợ đêm. Cư xử với
một đứa đa cảm, dễ mủi lòng mà cũng nghiêm khắc như với những đứa lì,
thì những đứa trên tất thấy đau khổ, có thể sinh ra oán hận cha mẹ và chán
đời nữa. Bạn e rằng không công bình chăng ? Tôi thì trái lại, cho rằng thế
mới là công-bình. Sự công-bình rất tế nhị, không thể diễn thành một đẳng-
thức, như một đẳng-thức đại số được. A là con ta, B cũng là con ta, vậy A =
B ; và hễ bắt A phải chịu hình phạt nào cũng bắt B phải chịu hình phạt đó.
Không, con người không phải là con số.
Vô-lý nhất là thái-độ của những người cha thấy một đứa con học được,
giỏi toán, thi đậu, bắt những đứa khác cũng phải giỏi toán và thi đậu, không
được thì mỉa mai, đay nghiến, chửi rủa, thậm chí trút cả tội lỗi lên đầu người
mẹ. Chính tôi đã nghe thấy một nhà trí-thức nọ chua-chát nói với khách
trước mặt vợ và con : « Thằng nhỏ nầy học giỏi mới thực là con tôi ; còn