năm, sáu tuổi làm sao nhớ hết được những lời gia huấn đó chứ ? Tới Phật
kia mà cũng chỉ cấm chúng ta có năm điều, thì tại sao ta lại bắt trẻ nhớ hàng
tràng những huấn lệnh như vậy ? Bạn thử kể hết những điều bạn bắt trẻ theo,
xem có tới số trăm không ? Tôi sợ hơn nữa. Tôi khen người cha nọ khi tiễn
con ra bến tàu ngày cậu xuất dương du học, chỉ khuyên cậu mỗi một câu : «
Làm gì thì làm, phải giữ lấy nhân cách ! ». Chứ không như các ông cha
khác, rán nhồi vào óc con cả chục điều : Phải siêng học nầy, phải cần kiệm
nầy, mỗi tuần gởi thư về nhà một lần, đừng nghe lời bạn rủ rê, phải lựa bạn
mà chơi, mỗi tuần đi coi hát một lần thôi, chi tiêu món gì phải biên vào sổ,
nghỉ hè thì lại nhà ông cậu mà ở, đừng nhẩy đầm và đừng mê đầm v.v…
5. Nhắc lại nhiều lần mệnh-lệnh và coi cho trẻ thi-hành thành thói-quen
Vậy phải ra thật ít mệnh-lệnh, nhưng phải giảng kỹ cho trẻ hiểu rõ, và
phải nhắc đi nhắc lại cho chúng nhớ. Bà Anna W.M. Wolf, trong cuốn tôi đã
dẫn, bảo phải nhắc ít nhất là mười lần. Tôi thấy lời đó không quá đáng, mà
còn muốn nói thêm : « Nhắc đi nhắc lại mười lần chưa đủ, phải đích thân
trông nom cho trẻ làm nhiều lần, để trẻ quen đi nữa ». Chẳng hạn, nhà nào
có thang gác mà cha mẹ chẳng dặn con cả trăm lần, chứ đừng nói là chục lần
nữa : « Không được xuống thang một mình, nghe không ? Té bể đầu đấy ».
Nhưng luôn luôn cũng vẫn thấy trẻ té thang. Tại sao vậy ? Một là chúng nhớ
lời ta nhưng không quan-niệm được sự nguy hiểm mà ta muốn tránh cho
chúng. Hai là chúng thích xuống thang để có một cảm giác mới, nên trong
lúc đó, quên hẳn lời ta đi. Gặp trường ấy, tôi tưởng không gì bằng tập cho
chúng bò xuống lần lần từng bực (nếu thang không dốc quá) và bò giật lùi,
để khỏi té. Coi chừng như vậy cho chúng năm, mười lần, thì khỏi phải dặn
chúng, mà chúng cũng không té nữa.
Khi trẻ ra đường cũng vậy. Nhắc hoài phải coi chừng xe chỉ là vô ích ;
sao không dắt chúng đi rồi chỉ cho chúng trước khi đặt chân xuống đường
thì phải làm sao, khi qua đường thì phải làm sao, tới ngã ba hay ngã tư thì
phải làm sao… Tóm lại, ta phải tập cho chúng có thói quen đi đường, chứ
không được bắt chúng thuộc cách thức đi đường, rồi để mặc chúng.