DẠY CON THEO LỐI MỚI - Trang 51

6. Chân uy-quyền thì không cần nghiêm-khắc

Sau cùng, tôi xin nhắc bạn điều nầy : chân uy-quyền không cần phải

nghiêm-khắc, và khi quá nghiêm-khắc thì uy-quyền lung lay rồi đấy.

Bạn nào đã lớn tuổi mà đã học trường Bưởi ở Hà-nội, chắc còn nhớ cụ

S. một giáo-sư toán. Lớp học của cụ luôn luôn im phăng-phắc, có thể nghe
được tiếng ruồi bay. Nhiều ông bạn tôi, gần tới giờ toán của cụ, mặt xám
xanh như sắp bị Công-an Pháp tra khảo, và hết thảy học sinh Trung-học ở
Hà-nội thời đó, chỉ nghe tên cụ cũng đủ lắc đầu le lưỡi. Tướng mạo, giọng
nói của cụ đã ghê, mà cách phạt của cụ còn ghê hơn nữa : những định lý
hình-học và số-học phải thuộc lầu-lầu theo thứ-tự, không được quên một
chữ, nếu không thì « dê-rô » và « công-xinh ». Nhưng hễ đã qua lớp của cụ
rồi, thì không một học-sinh nào, cả những học-trò « ruột » của cụ, cũng
không muốn gặp mặt cụ.

Trái lại, cụ Dương-quảng-Hàm dạy Pháp-văn và Việt-văn thì rất dễ dãi,

bước vào lớp là luôn mỉm cười một cách rất hồn nhiên, và trong hai năm học
cụ, tôi không nhớ cụ có phạt một học-sinh nào không. Là vì học-sinh nào
cũng rất ngoan, trong giờ của cụ. Cả những cậu nghịch-ngợm nhất cũng
chăm chú nghe lời cụ giảng. Cụ không cần phải la hét mà cũng chẳng cần
phải lấy lòng học-trò như nhiều giáo-sư ngày nay. Hình như học-sinh có cảm
tưởng rằng nếu phá cụ trong khi cụ dạy thì sẽ hóa ra vô giáo dục mất. Nhân
cách của cụ cao, học-thức của cụ rộng, đó uy-quyền của cụ chỉ ở đó.

Khi con còn nhỏ thì cha mẹ nào cũng sẵn có uy-quyền đối với con ;

nhưng khi chúng lớn lên thì tôi tưởng nhiều cha mẹ cũng nên xét gương của
hai giáo-sư đó mỗi khi muốn tỏ uy quyền với chúng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.