Tôi không ưa cái lối thưởng tiền : trẻ dưới mười một mười hai tuổi
không cần dùng tiền ; còn trên tuổi đó, thì mỗi tháng hoặc mỗi tuần, ta nên
cho chúng một số tiền vừa phải để chúng tập sử dụng lấy. Tuy-nhiên, nhiều
gia-đình như gia-đình Gilbreth mà tôi đã giới thiệu với bạn, vẫn dùng
phương-pháp đó mà trẻ vẫn ngoan : ông sai một cậu sơn hàng rào, nếu làm
cẩn thận và xong đúng kỳ hạn thì ông trả công. Đó cũng là một cách tập cho
trẻ hiểu giá trị của tiền. Nhưng cũng còn tùy tính tình của trẻ : nếu có tiền
mà chúng tiêu bậy thì tôi tưởng cách đó có hại hơn là lợi.
Tôi cũng không ưa cái lối hứa với trẻ : « Ráng học đi, nếu cuối năm thi
đậu thì ba thưởng cái xe Suzuki ». Lời hứa đó cũng kích thích trẻ được,
nhưng tôi chắc là không lâu, vì tôi không tin rằng một đứa trẻ bình thường,
có thể gắng sức hoài suốt năm chỉ vì mong tới cuối năm được cái xe máy
dầu, hoặc được đi nghỉ mát Đà-lạt, hoặc được bộ quần áo mới. Vả lại, khi trẻ
đã mười lăm, mười sáu tuổi, thì nhiều đứa chỉ mỉm cười khi nghe mẹ hứa
như vậy. Hình như chúng tự nhủ : « Ba má muốn « mua » mình đây… để
xem có mua mình được không ? ». Cho nên nếu bạn muốn áp-dụng chính
sách « mua chuộc » đó, thì cũng phải tùy trẻ và cũng phải cẩn-thận lắm mới
được. Theo tôi cứ khuyên bảo chúng, đừng hứa gì cả, rồi khi chúng làm
xong thì thưởng cho chúng một vật gì mà chúng thích, như để chung vui với
chúng và tỏ cho chúng thấy rằng ta đã hiểu sự gắng sức của chúng.
Khi chúng còn nhỏ, muốn kích-thích chúng làm nhanh lên, hoặc cẩn-
thận hơn, thì tôi tưởng một lời như vầy, vô hại : « Nếu con làm mau lên, thì
được ra bến tàu chơi với ba má » ; hoặc : « Con viết cho đẹp, thì được ra sân
chơi với em Bích-Thủy, không thì ba bắt viết lại, hết chơi ».
3. Phạt
Trước khi phạt phải xét :
- Trẻ thực có lỗi không ?
- Tại sao chúng mắc lỗi ?
- Ta có lỗi không ?
- Hình phạt về xác thịt.