CHƯƠNG IV : TRẺ SỢ
1. Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên
Sợ hãi là một bản năng, là sự phản-ứng của cơ thể mỗi khi ta thấy
không được yên ổn hoặc cảm rằng có sự không yên. Trẻ mới sanh ra rất yếu
đuối, không thể tự vệ, mà vũ-trụ ở chung quanh chứa biết bao sự bất trắc, tai
nạn, cho nên chúng rất dễ sợ, cái gì hễ hơi bất thường một chút cũng có thể
làm cho chúng sợ. Lần-lần chúng lớn lên, hiểu biết thêm thì những sợ hãi
tuổi trước mất đi ; nhưng đồng thời lại biết sợ thêm nhiều cái mới. Cho nên
người ta nói biết sợ là đã khôn và sự sợ hãi đánh dấu được con đường phát-
triển của trẻ. Vậy thì về phương-diện giáo dục, ta đừng quá lo lắng về tánh
sợ hãi.
Ông Arnold Gesell trong hai cuốn Infant and child in the culture of to
day và Infant from 5 to 10 (nhà xuất bản Harper and Bros – New York)
đã
ghi những kết quả sau nhiều năm nghiên cứu chung với vài nhà bác học
khác, về sự phát triển của tánh sợ từ lúc trẻ mới sanh đến năm trẻ chín tuổi.
Tôi sẽ tóm-tắt những kết-quả đó trong cuốn Tìm hiểu con chúng ta, ở đây
chỉ xin bày tỏ thái độ mà ta nên có mỗi khi thấy trẻ sợ.
2. Trẻ sợ nước, sợ té, sợ đau…
Những nhận xét của Gesell cho ta thấy rằng tình cảm sợ sệt thay đổi
đối tượng, tăng giảm tùy tuổi, và rất tự nhiên. Nó đã tự nhiên thì ta cứ để
cho trẻ lần-lần thắng nó, đừng hấp tấp vô ích, nhất là đừng rầy chúng là nhút
nhát. Giá xã hội quay cho mỗi đứa trẻ được một cuộn phim ghi cả đời sống
tinh-thần, tình cảm của nó, và đợi khi nó lớn lên, có con rồi, chiếu lại nó coi,
thì tôi chắc chắn không người cha nào không khoan hồng với con và sự giáo
dục của trẻ cải thiện được rất nhiều. Chẳng hạn, sẽ không có những ông cha
trợn mắt rầy con : « Trời ơi ! sao mầy nhát thế thằng kia ? Nước cạn chỉ đến
ngực mầy, mà tao đứng đây có lẽ nào để mầy chết mà mầy sợ ? Nhảy xuống,
tập lội đi, không thì nhịn cơm chiều nay ! ».