Lúc đó đâu nó có sợ chết, nó chỉ sợ nước. Mà loài người từ thời nào tới
giờ cũng sợ nước, không riêng gì nó. Không biết lội mà nhìn cái khoảng
mênh-mông không biết ở dưới đó có gì thì làm sao mà không sợ cho được ?
Cái sợ đó có lợi cho loài người chứ ! Cứ thủng-thẳng để trẻ lớn lên – bảy
hay tám tuổi – rồi cho chúng quen với nước lần lần thì chỉ trong một năm tự
nhiên chúng sẽ biết lội, cần gì phải hò hét ?
Trong trường hợp đó, cũng như trong nhiều trường hợp : sợ lửa, sợ té,
sợ bị thương, sợ xe cộ… trông nom cho trẻ, tập cho chúng cẩn thận, lần-lần
thắng được trở ngại, là cách hiệu nghiệm hơn hết để diệt tính sợ.
Có nhiều trẻ nhút-nhát hơn bạn bè, anh em. Trời sinh chúng như vậy.
Đối với chúng, ta càng phải ngọt-ngào cho chúng thấy được yên ổn, âu yếm,
che chở ; rồi chúng mới tin ở ta mà bạo dạn lên. Chúng kể lể những sợ sệt
với ta thì đừng chế giễu, rầy mắng, mà nên khuyến-khích, giảng-giải, giúp
chúng thắng bản tính. Nhất định không được nói dối. Một bác sĩ băng bó
một đứa nhỏ, dỗ dành nó : « Không đau đâu em ». Khi ông làm xong, nó
mắng ông : « Ông nói dối. Tôi ghét ông ». Và lần sau, cha mẹ nó không có
cách nào bắt nó tới bác sĩ đó được nữa. Sao không bảo nó : « Đau đấy,
nhưng tôi sẽ hết sức làm nhẹ tay cho em, phải chịu đau mới hết bệnh được ».
3. Trẻ sợ tối, sợ cha mẹ không về nhà
Dưới 12 tháng, trẻ chưa biết sợ tối ; từ một năm trở đi mới không dám
ngủ một mình trong phòng tối, vì lúc đó trẻ mới bắt đầu biết tưởng-tượng ;
nhưng từ chín tuổi thì tánh sợ đó bớt đi nhiều. Mới đầu ta nên vỗ-về nó,
chong một ngọn đèn đêm trong phòng, ngồi với nó một lúc đợi nó ngủ, khi
nó đủ hiểu rồi mới giảng giải cho nó, đặt một cây đèn pin ở đầu giường nó
và lần-lần bỏ đèn đêm đi. Nhưng nếu nó chưa muốn ngủ, làm bộ sợ đêm, để
bắt ta ngồi bên nói chuyện cho nó nghe, thì ta đừng để cho nó gạt.
Một đứa nhỏ nọ đã hết sợ đêm từ lâu, mà vẫn bắt má chong đèn đêm
tới hồi sáu tuổi. Một bữa nó nói : « Má à, thằng Bình cũng không dám ngủ