Cách đó không luôn hiệu nghiệm đâu. Nếu nó thất bại thì ta phải
nghiêm-khắc hơn, nhưng nghiêm-khắc một cách bình tĩnh. Đừng quát tháo.
Chỉ ít tháng sau, trẻ qua cái thời trở chứng rồi, sẽ ngoan-ngoãn và vui-vẻ
như trước.
3. Khi trẻ nổi cơn giận
Hầu hết những trẻ từ 1 đến 3 tuổi đều có lần nổi cơn giận dữ. Lúc đó
chúng đã biết muốn gì và đòi biểu lộ cá tính của chúng, cho nên hễ trái ý
chúng thì chúng « làm trận » ; nhưng mới đầu chúng chưa dám xung đột với
người lớn, chỉ lăn xuống đất, la khóc, đập chân, đập tay thôi.
Lâu lâu mới có một trận như vậy thì không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ
ngày nào cũng quạu-cọ, bẳn tính, thì nguyên-nhân có thể là :
- Tại chúng mệt mỏi quá, ăn ít, ngủ ít hoặc có bệnh.
- Tại ta vụng dạy.
Trong trường-hợp sau, ta phải tự xét xem có thường ngăn cấm chúng,
làm trái ý chúng một cách vô-lý không ?
Ta có cho chúng tự-do ra chơi ngoài sân không hay là bắt chúng phải ở
bên cạnh ta hoài để ta dễ coi chừng ? Ở trong nhà, ta có thu xếp cho chúng
một khu vực riêng biệt để chơi yên ổn không, hay là ta cứ rầy chúng hoài :
« Đừng lại chỗ đó, bị đòn bây giờ ! Đừng mó tới cái đó, bảo hoài mà không
nhớ ! ». Chúng đương mê chơi, ta có bắt chúng bỏ chơi ngay, về cho ta hỏi
một điều không quan trọng không ? Chúng đương khóc, ta có bắt phải nín
bặt ngay không ? Nhất là ta có quá chiều chúng không ? « Cưng muốn gì,
cưng ? Để má lấy cho ». Ta chậm một chút thì nó la lên, giậm chân : « Mau
lên ! » và ta vội vàng bỏ dở công việc để chiều ý chúng. Nhiều đứa trẻ ở nhà
thì làm ông tướng, từ ông nội bà nội đến ba má đều không dám trái ý, mà tới
trường thì hiền như cục bột. Lỗi tại người trong nhà, mà khi giáo-dục ở nhà
đã tệ hại thì giáo-dục ở trường cũng khó có ảnh-hưởng được. Ta lại nên nhớ,
có đứa rất thích uy-quyền chỉ thừa cơ cha mẹ nhu-nhược là ăn hiếp. Tôi biết