CHƯƠNG VII : TRẺ NÓI DỐI
1. Tánh nói dối do xã hội tập cho trẻ
Nếu ta hiểu nghĩa nói dối là giấu sự thực thì hết thảy chúng ta không
ngày nào không nói dối, có khi một ngày năm sáu lần hay cả chục lần.
Nhân loại thời xưa cũng như thời nay « tắm trong sự giả dối » như L.
Vérel đã nói. Tôi còn muốn thêm rằng nếu loài người không giấu giếm, giả
vờ, lừa dối nhau vì xã giao, vì duyên dáng, vì tự ái, vì đoàn kết, vì tự lợi, vì
nhân đạo… vì cả nghìn lẽ khác thì đời sống trong xã-hội không thể nào
bình-thường được. Ta không thể tưởng-tượng nổi một em bé mới sanh ra đã
có tật nói dối, điều đó thậm vô lý ; chắc chắn là do tiếp-xúc với người lớn,
trẻ mới tập thói nói dối. Vậy mà tánh nói dối lại làm cho các người dạy trẻ lo
sợ nhất, giận-dữ nhất, thì cũng lạ thật.
Nói vậy, không phải tôi lập dị mà ca tụng tánh nói dối đâu ; tôi chỉ
muốn nhắc bạn phải tìm hiểu tâm-lý của trẻ mỗi khi thấy chúng nói không
đúng sự thực, để biết cách dạy dỗ chúng.
2. Tới tuổi nào, trẻ mới phân-biệt được chân, giả ?
Trước hết ta phải tự hỏi trẻ tới tuổi nào thì bắt đầu có ý-thức rõ ràng về
sự chân và giả. Phần đông các tâm-lý gia bảo trước sáu tuổi, trẻ không phân
biệt được sự thực và sự tưởng-tượng. Ông Arnold Gesell đã nghiên-cứu lại
vấn-đề đó và được những kết-qủa như sau :
- Dưới năm tuổi, ít khi trẻ phân biệt được thế nào là thực, thế nào là giả,
và tưởng-tượng rất mạnh.
- Năm tuổi, chúng vẫn kể những chuyện bịa, vẫn nói quá sự thực,
nhưng đã bắt đầu có ý-thức về sự thực, và đôi khi tự nhận là mình « nói dóc
chơi ».
- Sáu tuổi, nếu chúng có lỗi mà ta hỏi thẳng chúng thì chúng chối.
Chúng thường nói dối để khỏi bị rầy. Vài đứa gian trá trong các trò chơi.