có lẽ vì chúng thích màu trắng hoặc mới thấy một người bận màu trắng đi
qua. Nhưng tới khi ta bảo : « Không phải đâu, ba biết ông ấy ít khi bận màu
trắng lắm, chắc là màu vàng đấy », thì chúng cũng đáp : « Phải, màu vàng ba
ạ ». chúng đã thiếu nhận xét mà còn rất chủ-quan, chưa biết giá-trị của sự
thực khách-quan ; thậm chí có đứa tự nhận hết các lỗi chỉ vì chúng cảm thấy
rằng nhận như vậy thì cha mẹ chúng vui lòng
. Chúng thật dễ thương !
Tôi kết luận : Khi trẻ dưới năm tuổi mà nói sai sự thực thì ta chỉ cần
bảo chúng : « Như vậy không đúng. Sự thực thế nầy… » rồi bỏ qua. Năm và
sáu tuổi, mười lần thì có chín lần trẻ vô tình nói sai. Ta phải xét kỹ khi nào
chúng cố ý nói sai, tìm nguyên-nhân rồi rầy chúng nhẹ một câu là đủ.
4. Trẻ cố ý nói dối
Từ bảy tuổi trở đi, trẻ mới chịu trách nhiệm về những lời nói của
chúng. Tâm-lý chúng hồi nầy đã phức-tạp, ta phải dò xét những động cơ
thúc đẩy chúng lừa gạt ta.
Ông G. L. Duprat đã nghiên cứu 136 ca nói dối và sắp đặt thành bảng
dưới đây :
- do sợ-sệt : 77 ca, tức 57%
- do khoe-khoang, tự-ái : 24 ca, tức 17%
- nguyên-nhân về trí-tuệ : 14 ca, tức 10%
- vì thương hay ghét người khác : 9 ca, tức 7%
- vì tham-lam : 6 ca, tức 4,5%
- phi-lý : 6 ca, tức 4,5%
Ông L. Vérel nghiên cứu trẻ từ 6 đến 14 tuổi cùng được kết-quả tương-
tự :
- do sợ-sệt : 71%
- do khoe-khoang : 17%
- do tàn-ác : 3%
- do thương người : 2%