cạnh qua cửa sổ văn phòng của mình là đủ, lá của cái cây ấy trụ được lâu
hơn những cây khác, đến tận tháng Mười một. Người ta bảo với ông đấy là
một cây duyên, hay một cây dương rung lá, ông cũng không biết nữa. Ông
tiếc tất cả những năm đã qua, những năm ông không chú ý mấy đến cỏ cây
hoa lá. Ông, người chẳng đọc gì khác nữa ngoài cuốn Lịch sử tự nhiên của
Buffon, đột nhiên lại nhớ ra một đoạn trong Hồi ký của một nữ triết gia
Pháp. Người này từng rất choáng trước điều mà một phụ nữ nói trong chiến
tranh: “Các người muốn gì nào, chiến tranh đâu có thay đổi được mối quan
hệ giữa tôi với một cọng cỏ.” Chắc hẳn bà ta cho là người phụ nữ kia phù
phiếm hoặc lãnh đạm. Nhưng với ông, Daragane, câu nói lại mang ý nghĩa
khác: trong những thời kỳ tai ương hay suy sụp tinh thần, chẳng có phương
cách nào khác ngoài việc kiếm tìm một điểm cố định mà giữ cân bằng và
không ngã nhào. Ánh mắt ta dừng lại ở một cọng cỏ, một cái cây, những
cánh hoa, như thể ta bám mình vào một cái phao. Cây duyên - hay cây
dương rung lá - bên ngoài khung cửa sổ nhà ông khiến ông an lòng. Và dù
đã gần mười một giờ đêm rồi, ông vẫn cảm thấy vững dạ nhờ sự hiện diện
thầm lặng của nó. Thế nên càng phải kết thúc nhanh mọi chuyện và đọc cho
xong đống giấy đánh máy kia. Ông phải miễn cưỡng thừa nhận một điều:
giọng nói và vẻ ngoài của Gilles Ottolini thoạt tiên tựa như của kẻ tống
tiền. Ông những muốn phá tan định kiến đó. Nhưng liệu ông có thực sự làm
nổi không?
Ông gỡ cái ghim kẹp đống giấy ra. Giấy của bản sao chụp không
giống giấy bản gốc. Chantal Grippay sao chụp đến đâu, ông nhớ từng tờ
giấy mỏng và trong suốt đến đó. Chúng gợi nhắc ông nghĩ tới loại giấy viết
thư gửi “qua đường hàng không”. Nhưng cũng không hoàn toàn chính xác.
Đúng hơn thì chúng có cùng độ trong với loại giấy pơ luya vẫn được dùng
trong các cuộc hỏi cung của cảnh sát. Mà Chantal Grippay cũng đã chẳng
bảo ông là gì: “Gilles xin được thông tin từ phía cảnh sát...”
Ông nhìn tán lá cây trước mặt mình lần cuối, rồi bắt đầu đọc.
Các ký tự nhỏ xíu, như thể được đánh bằng loại máy chữ xách tay giờ
không tìm đâu ra nữa. Daragane cảm giác mình đang ngụp lặn giữa một nồi
nước lèo đặc sệt khó tiêu hóa. Thi thoảng ông nhảy dòng để rồi phải đọc