như cảnh sát vẫn thường bắt đầu một cuộc hỏi cung bằng những lời vô
nghĩa hòng khiến kẻ tình nghi lơ là cảnh giác. Để rồi khi kẻ đó tưởng mình
đã an toàn, họ liền đột ngột tung ra câu hỏi chính yếu.
Mắt ông lại tìm đến tán lá cây duyên bên kia cửa kính, ông cảm thấy
xấu hổ vì đã nghĩ như vậy. Ông đang mất bình tĩnh. Mấy trang giấy ông
vừa đọc chỉ là một bản nháp vụng về, một đống chi tiết chồng chất che đi
mất điều cốt yếu. Cái tên duy nhất khiến ông bối rối và tạo ra sức hút với
ông: Annie Astrand. Nhưng gần như không đọc nổi cái tên đó giữa đống từ
ngữ không cách dòng lấn lướt lên nhau. Annie Astrand. Một giọng phát ra
xa xôi giữa đêm khuya muộn mà ta tự nhủ hẳn nó hướng đến ta để truyền
cho ta một thông điệp nào đấy. Một hôm, ai đó khẳng định với ông rằng
giọng những người từng thiết thân với ta trong quá khứ, ta thường quên rất
nhanh. Thế nhưng, nếu hôm nay, trên phố, có nghe thấy giọng Annie
Astrand cất lên sau lưng mình, chắc chắn ông sẽ nhận ra ngay.
Khi nào gặp lại Ottolini, ông sẽ phải cảnh giác không để anh ta chú ý
đến cái tên này: Annie Astrand, nhưng ông cũng không chắc có gặp lại anh
ta không nữa. Cùng lắm thì ông sẽ viết vài dòng thật ngắn ngủi để cung cấp
cho anh ta mấy tin sơ sài về Guy Torstel. Một người đàn ông trông coi hiệu
sách, ở hành lang Beaujolais, ven hoa viên Palais-Royal. Mà đúng là ông
chỉ gặp người đó có một lần, cách đây gần năm mươi năm, một tối Chủ
nhật mùa thu ở Tremblay. Thậm chí ông cũng có thể tử tế đến độ cung cấp
cho anh ta thêm mấy chi tiết về hai người khác, Bugnand và Perrin de Lara.
Bạn của mẹ ông, chắc kiểu như Guy Torstel. Cái năm mà ông đọc tuyển thơ
Cây, bạn của tôi và ghen tị với cô bé tác giả cùng tuổi mình ấy, Bugnand và
Perrin de Lara - cũng có thể cả Torstel nữa - luôn mang trong túi một cuốn
sách, tựa như sách kinh lễ, một cuốn sách dường như họ rất trân trọng. Ông
vẫn nhớ nhan đề: Fabrizio Lupo. Một hôm, Perrin de Lara nói với ông bằng
giọng nghiêm trọng: “Cả cậu nữa, khi nào lớn, cậu cũng sẽ đọc Fabrizio
Lupo”, một trong những câu nói sẽ mãi còn là bí ẩn đến tận cuối đời ta, chỉ
vì vang âm của nó. Sau này, ông có đi tìm cuốn sách, nhưng không may
chẳng tìm được bản in nào và vì thế mà chưa bao giờ ông đọc Fabrizio
Lupo cả. Chắc ông không cần gợi nhắc những ký ức vụn vặt đó. Triển vọng