bồng bềnh trôi. Cảm giác ấy, ông chỉ thấy từ hồi năm trước, và ông tự hỏi
liệu có phải nó liên quan đến việc tuổi già đang tới gần. Từ hồi còn rất trẻ,
ông đã trải qua những khoảnh khắc nửa tỉnh nửa mơ này, khi ấy người ta để
mình dạt đi - thường là sau một đêm trắng nhưng hôm nay mọi thứ lại
khác: cảm giác như đang trượt tự do xuống một con dốc, khi động cơ đã
dừng. Cho đến khi nào?
Ông trượt đi, theo cơn gió nhẹ và trọng lượng cơ thể mình. Ông va
phải những khách bộ hanh ngược chiều không kịp tránh mình. Ông xin lỗi.
Đó không phải lỗi của ông. Thường thì ông cẩn thận hơn rất nhiều khi bước
đi trên phố, sẵn sàng chuyển sang vỉa hè khác nếu nhìn thấy từ xa ai đó mà
ông quen và có vẻ định bắt chuyện. Ông nhận ra rằng rất hiếm khi ta gặp
được ai đó mà ta thực sự muốn gặp. Hai hay ba lần trong đời thôi phải
không?
Ông sẵn sàng đi bộ đến tận phố Charonne để mang trả Chantal
Grippay cái váy nhưng lại sợ gặp Gilles Ottolini. Mà thế thì sao? Như vậy
càng giúp ông chắc chắn hơn về sự tồn tại mù mờ của người đàn ông ấy.
Ông nhớ lại câu Chantal Grippay đã nói: “Ở hãng Sweerts họ muốn sa thải
anh ấy.” Nhưng chắc cô phải biết rõ là hãng Sweerts không tồn tại. Còn
cuốn sách, Kẻ rong chơi trên lưng ngựa, mà bản quyền có từ thời tiền chiến
thì sao? Liệu có phải Ottolini đã mang bản thảo đến nhà xuất bản Sablier từ
kiếp trước dưới một cái tên khác? Ông, Daragane, dù sao cũng xứng đáng
nhận vài lời giải thích.
Ông đến dưới dãy vòm cuốn ở Palais-Royal. Ông bước đi không mục
đích rõ ràng. Nhưng lúc ngang qua cầu Nghệ thuật và sân Louvre, ông lại
thấy mình đang đi theo hành trình quen thuộc thời thơ ấu. Ông bước dọc cái
nơi mà người ta vẫn gọi là Louvre của những người bán đồ cổ, và chính tại
nơi này, ông nhớ những tủ kính bày đồ Giáng sinh trong các Cửa hàng Lớn