“Trước chiến tranh, có một bác sĩ giống như tôi sống ở đó và đã rời
Saint-Leu... Sau đó, lúc tôi đến đây, có một tay Lucien Fuhrer nào đấy
thường xuyên lui tới... chủ một hộp đêm ở Paris thì phải... Ông ta đi đi lại
lại suốt... Kể từ thời điểm ấy có rất nhiều người kỳ quặc ra vào ngôi nhà...
cho đến cuối những năm năm mươi...”
Bác sĩ nói tới đâu Daragane ghi lại vào sổ tới đó. Cứ như thể ông sắp
hé lộ với anh bí mật về nguồn gốc của anh, hé lộ toàn bộ những tháng năm
đầu đời mà người ta đã lãng quên ấy, trừ một chi tiết thi thoảng lại ngoi lên
từ thẳm sâu, một con phố có vòm lá rủ xuống, một mùi hương, một cái tên
quen thuộc mà ta chẳng còn biết thuộc về ai, một cái cầu trượt.
“Và rồi cái tay Lucien Fuhrer ấy biến mất, ngôi nhà được một ông
Vincent nào đó mua lại... Roger Vincent nếu tôi nhớ không lầm... Ông ta
thường xuyên đỗ cái ô tô Mỹ mui trần của mình trên phố...”
Daragane, sau mười lăm năm, không còn chắc chắn hoàn toàn về màu
xe nữa. Màu be ư? Phải, chắc là thế. Với ghế ngồi bằng da màu đỏ. Bác sĩ
Voustraat nhớ nó là xe mui trần, và nếu ông có trí nhớ tốt, hẳn ông sẽ xác
nhận được màu này: màu be. Nhưng anh sợ sẽ khiến ông ngờ vực nếu đặt
câu hỏi cho ông.
“Tôi không biết chính xác ông Roger Vincent đó làm nghề gì... có lẽ là
cùng nghề với Lucien Fuhrer... Một người đàn ông chừng bốn mươi tuổi
thường xuyên đi đi về về từ Paris...”
Dường như với Daragane, hồi đó, Roger Vincent chẳng bao giờ ngủ ở
nhà. Ban ngày ông ta ở Saint-Leu-la-Forêt rồi rời đi sau bữa tối. Từ giường
mình, anh nghe thấy tiếng ô tô của ông ta khởi dộng, âm thanh đó khác với
âm thanh phát ra từ ô tô của Annie. Một âm thanh vừa mạnh hơn vừa nặng
nề hơn.
“Nghe nói ông ta lai Mỹ hoặc đã ở Mỹ rất lâu... Trông ông ta giống
người Mỹ... Cao lớn... dáng thể thao... Có lần tôi đã chữa bệnh cho ông ta...
Tôi nghĩ ông ta bị sai khớp cổ tay...”
Daragane không nhớ gì chuyện đó. Nếu đã thấy Roger Vincent bị băng
hay bó bột ở cổ tay thì hẳn anh phải có ấn tượng chứ.