Thất vọng về sự mềm yếu của Suzuki, bực tức vì sự ngoan cố của cặp
Anami và Hiranuma, Togo quả thực cũng không biết làm gì bây giờ.
Lúc xế bóng Togo ghé Bộ Ngoại Giao của Ông. Các phụ tá van xin ông
hãy về nhà ngủ một giấc đã, rồi sau hãy nói đến chuyện từ chức. Trước khi
về nhà, Ông tới gặp Hầu tước Kido trình bày mọi chuyện. Ông khuyến cáo
Kido phải yểm trợ Suzuki, để cho hàng ngũ phe chủ hòa khỏi bị xập đổ.
Trong khi đó tại Bộ Ngoại Giao, cái ngày dài nhất của phụ tá
Matsumoto vẫn chưa chấm dứt. Sau khi nhận và phiên dịch bức công hàm
của Hoa Kỳ, suốt ngày Matsumoto phải xử lý Bộ Ngoại Giao trong khi
Ngoại trưởng Togo phải chiến đấu chống lại cả bạn lẫn thù. Bây giờ là buổi
hoàng hôn ngày 12 tháng Tám, Matsumoto ngồi ở bàn giấy nghĩ cách tranh
thủ thời gian để cho phe chủ hòa có thể củng cố lại hàng ngũ.
Matsumoto nhấc ống nói gọi sở Viễn thông thuộc Bộ Ngoại Giao và ra
chỉ thị cho viên giám đốc:«Ông phải đích thân lưu ý đến mọi công điện của
Đồng Minh được gửi tới Đông Kinh trong buổi chiều hôm nay. Nếu có
công điện đó, Ông phải ghi là nhận được vào sáng ngày mai. Việc này phải
tuyệt đối giữ bí mật». Viên Giám đốc tuân lệnh, Matsumoto đặt ống nói rồi
ngồi xuống ghế, trong thâm tâm hy vọng: chút mánh lới vặt đó sẽ đưa lại
cho phe chủ hòa thêm thời gian để tổ chức lại.
Vào lúc 6 giờ 40 phút chiều, thông điệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ
Byrnes gửi chính phủ Nhật bắt đầu tới sở Viễn Thông Bộ Ngoại Giao. Theo
chỉ thị của Matsumoto, viên Giám đốc sở này để bức thông điệp nhận được
vào lúc 7 giờ 10 phút ngày hôm sau. Rồi ông tạm cất nó vào tủ.
Một lát sau một bức điện văn khác cùng tới Đông Kinh chứng tỏ: mối lo
của Matsumoto có căn bản thực tế. Điện văn này là của Okamoto đại sứ
Nhật tại Thụy Sĩ từ hai ngày qua chăm chú thăm dò phản ứng của Đồng
Minh đối với ý định đầu hàng của Nhật. Với một tâm trạng đầy ưu tư, đại