Chỉ có cách đó mình mới trở nên tân kỳ được!
Đã đặt thành chân lý rằng trong đời không bao giờ có hai hột cát giống
nhau, hai con muỗi giống nhau, hai bàn tay, hai cái mũi giống nhau,
Flaubert bắt tôi phải diễn tả ra, bằng vài câu thôi, một người hoặc một vật
nào để nó có những cái đặc biệt rõ ràng không giống với những người, vật
nào khác cùng giống cùng loại.
“Khi anh thấy một anh bán hàng ngồi trước cửa tiệm của anh ta, hoặc
một người giữ cửa ngậm ống ‘bíp’... thì anh hãy tả cho tôi thấy anh bán
hàng ấy, hoặc anh giữ cửa ấy bằng một vài nét đặc biệt để tôi không lẫn lộn
họ với bất cứ anh bán hàng hay anh giữ cửa nào khác, cũng như anh tả thế
nào để tôi không lầm lẫn con ngựa kéo xe nầy với cả năm chục con khác đi
sau nó hay đi trước nó”
. Đó là cách mà Flaubert dạy Guy de Maupassant
phép tả người, tả vật.
VII.
Trong Défense des Lettres, Georges Duhamel khuyên ta: “Sự thật ngoài
đời là tài liệu bất tận của ta.”
Trái chín trên cây là trái ngọt tự nhiên, trái bị bẻ sớm là trái chát, dù
được giú ép cũng không ngon ngọt bằng. Một quyển sách viết ra, cũng như
thế! Nó phải là kết tinh của một đề tài được lâu ngày ấp ủ.
Alfred de Vigny nói: “Khi một ý tưởng nào mới lạ, đứng đắn, thú vị,
không biết từ đâu lại rơi rớt vào lòng tôi, thì không còn có cái gì có thể trục
xuất nó ra được nữa: nó mọc gốc mọc rễ như một hột giống trong luống đất
cày, và nhờ óc tưởng tượng của tôi bồi dưỡng nó. Vô ích, dù tôi nói, tôi
làm, tôi viết, tôi nghĩ đến việc khác, tôi vẫn cảm thấy nó vẫn mọc lên mãi
trong lòng tôi, rồi bông lúa ấy càng ngày càng cao và chín đỏ. Không bao
lâu tôi hái nó để xay thành một thứ bột và làm ra một thứ bánh lành mạnh
cho công chúng dùng hàng ngày...
“Tôi có viết ra quyển sách đâu, mà chính nó tự viết ra đấy. Nó như một
quả trái mọc và chín muồi trong đầu óc của tôi.”