trong đó tác giả đã không còn để thiếu sót cái gì cả, không để cho độc giả
cùng bàn góp thêm được phần nào ý kiến của mình.”
Cần nói nửa lời thôi, nhưng là những lời nói khêu gợi. Phải biết giúp cho
người suy nghĩ, đừng suy nghĩ thế cho người.
Sách hay, tức là sách bắt ta suy nghĩ, bắt ta hoài nghi, bắt ta thương xác
và đặt lại vấn đề.
Người ta bảo, vì Pascal chết sớm nên sự nghiệp văn chương của ông bị
gián đoạn. Nhưng theo tôi, chính nhờ ông chết sớm mà sách vở của ông có
tính cách giáo dục nhiều hơn cả, bởi một lẽ rất giản dị là nhờ nó bị gián
đoạn mà Pascal chưa kịp nói hết lời. Tiếng đàn hay là hay ở dư âm... Lời
nói hay là lời nói vắn tắt mà hậu ý thâm trầm man mác... Voltaire cũng nói:
“Cái mật pháp để làm cho dễ chán là nói tách bạch ra tất cả.”
Trong Tỳ Bà Hành có câu:
“Thủy tuyền lãnh sáp huyền ngưng tuyệt.
Ngưng tuyệt bất thông thanh tạm yết. Biệt hữu u tình ám hận sinh.
Thử thời vô thanh thắng hữu thanh.”
Tạm dịch:
Doành lạnh ngắt tơ mành như đứt, Đứt chẳng thông tạm ngớt cung tơ.
Như sầu như ngẩn như ngơ,
Tứ riêng hay gấp tiếng tơ muôn phần.
Bàn về văn chương thì mỗi loại đều có tính cách riêng, không thể nhất
luật được. Một quyển sách về phép luyện văn cũng đủ cho ta có một ý niệm
về câu văn hay hoặc dở. Văn hay có nhiều thứ: Có thứ hay vì súc tích gọn
gẫy, hay vì bóng bẩy nhẹ nhàng, hoặc hay vì cân phân nhạc điệu... Nhưng
hay nhất, bất luận về loại văn nào, là văn sáng sủa, giản dị và tự nhiên.
Câu văn sáng sủa là đọc lên hiểu liền, không phải dừng lại để tìm nghĩa
của từng chữ, hay của câu văn phiền phức lê thê, cầu kỳ lập dị. Sáng sủa là
nhờ giản dị, và giản dị là nhờ tự nhiên. Tuy ba, mà chung qui vẫn một.