Hiện nay ít có nhà văn nào tránh khỏi cái nạn viết văn “lai căng” ấy, vì
không “lai Tàu” thì cũng “lai Tây”.
Nhà văn Nhất Linh, trong quyển Viết Và Đọc Tiểu Thuyết có đưa ra một
nhận xét sau này: “Phần đông những nhà văn không giỏi Pháp văn lại thích
viết theo lối làm câu của văn Pháp, không giỏi chữ Nho lại hay dùng chữ
Nho”. Sự nhận xét ấy kể ra cũng có phần xác đáng là vì phần nhiều những
nhà văn bị “tự ti mặc cảm” thường dễ sa vào cái tật “xấu hay làm tốt, dốt
hay nói chữ”. Họ tin rằng có học tiếng Tây tiếng Tàu mới ra người có học.
Ngoài ra, kẻ học chữ Nho hay chữ Pháp thật sành sỏi thường cũng dễ bị lôi
cuốn nói và viết theo cú pháp của Hán văn và Pháp văn, như trường hợp
các nhà Hán học hay Tây học thời trước. Họ thường suy nghĩ theo câu văn
Pháp trước, rồi sau mới diễn tả bằng cách dịch lại theo tiếng Việt. Cho nên,
người sành Hán văn cũng như Pháp văn mà viết văn được tự nhiên theo văn
Việt thuần túy, phải công phu lắm mới được. Trước đây, sau khi ra trường,
không bao giờ tôi nói được một câu tiếng Việt cho suôn mà không đệm vào
một vài tiếng ngoại quốc. Có khi pha trộn nửa Ta nửa Tây, rất là quái dị.
Tôi đã phải cố gắng hết sức mới viết được một câu văn Việt ra hồn. Tôi
cũng chưa chắc, hiện thời, sau ba mươi năm cầm bút, tôi đã thoát khỏi cái
nạn nói và viết “lai căng” ấy chưa?
⥚◌⥛
Lại còn vấn đề chính tả.
Vấn đề vẫn gay go, phần nhiều các tự điển chính tả chưa được nhất trí.
Tuy vậy tám mươi phần trăm tiếng Việt đã được các nhà ngữ ngôn học
đồng ý. Ta có thể lấy một quyển Việt Nam Tự Điển của hội Khai Trí Tiến
Đức làm cơ sở, đợi ngày thiết lập xong Hàn lâm viện Việt Nam và có một
bộ Tự Điển Việt Nam sẽ hay.
Phần tôi, tôi học viết chính tả bằng cách tra tự điển, hoặc cậy các bạn
sành chính tả soát hộ những bản thảo và sửa lại bằng mực đỏ... Những chữ
thường hay viết sai, tôi chép vào một tập sổ tay. Mỗi khi viết mà tay thấy
còn ngượng, thì lật sổ tay ra xem lại. Lâu ngày thành thói quen, hễ nhìn