Muốn viết một câu văn gồm đủ ba đức tính ấy, ý văn phải được hàm dưỡng
sâu xa. Văn giản dị tự nhiên, đọc lên như nghe nói chuyện, không thấy có
sự đẽo gọt, cố gắng để làm văn, không có những sự cân đối, nhịp nhàng,
giả tạo, kiểu cách, dùng nhiều điển tích lạ lùng. Jean Jacques Rousseau nói:
“...nói hoặc viết là để cho người ta hiểu mình muốn nói gì; nếu mình làm
cho người ta hiểu được ý mình, đó là mình đạt mục đích làm văn của mình
rồi, nếu lại nói được một cách rõ ràng thì càng hay hơn (...) Tôi muốn đi xa
hơn nữa (...) Tôi chủ trương rằng nếu phải viết sai văn phạm để cho câu văn
được rõ ràng hơn, thì cứ viết sai bừa đi, có sao!”
Stendhal bàn về văn tự nhiên giản dị có nói: “Kẻ nào ăn mặc thật khéo là
kẻ mà sau khi rời phòng khách, không một ai để ý và nhớ họ đã ăn mặc như
thế nào. Về văn chương cũng thế. Một câu văn hay là câu văn mà ai ai đọc
đến, chỉ thấy có cái từ mà không để ý đến hình thức câu văn của nó”.
Người đàn bà trang sức khéo là người biết trang sức một cách tế nhị kín
đáo, đến đỗi không ai dè có trang sức. Vì vậy, mới có câu: “Không trang
sức gì cả là một cách trang sức rất khéo”. Cho nên ta cũng có thể nói rằng:
Nhà viết văn hay mà còn để cho người thấy được cái hay cái đẹp của văn từ
mình trước hết, cũng chưa phải là người khéo về văn chương.
André Maurois cũng nói: “Kẻ nào muốn viết cho thật hay lại càng viết ít
hay”. Ông lại cho rằng sở dĩ văn chương của Flaubert trong tiểu thuyết thua
xa văn của ông ấy trong thư tín, là vì văn trong khi viết thư, Flaubert không
để cho ta thấy có những gò ép, đẽo gọt nên còn giữ được vẻ hồn nhiên, giản
dị. Đẽo gọt cũng cần đẽo gọt nhưng đẽo gọt cách nào để đừng cho ai thấy
đẽo gọt, đó mới thật là tài hoa và khéo léo
.
Đạt đến giản dị và tự nhiên, là đạt đến mức cao nhất của nghệ thuật làm
văn rồi vậy.
XI.
Như đã nói trên, văn tự nhiên và giản dị cũng cần phải gột sạch gốc
“ngoại lai”, để được cái giọng thuần túy Việt Nam.