trở... rồi đâu sẽ vào đấy. Nếu do dự, không chịu khai bút, thì không bao giờ
làm gì được.
Còn lại một cái khó nữa là đoạn kết. Một bản nhạc cũng thế. Đoạn kết
mà dở sẽ làm mất cả ấn tượng hay ho của khúc nhạc. Tùy đề, tùy loại, cách
kết luận mỗi khác. Nếu suốt tác phẩm mình có một chủ trương cần phải
bênh vực, thì khi kết luận phải quả quyết bằng một sự giải quyết tạm thời
hay dứt khoát, như trong các bài nhạc của Beethoven. Về sử ký hay truyện
ký, tiểu sử thì khi kết luận cần tóm lại tất cả đề tài và cột chặt lại như trong
các bài nhạc của Wagner. Trái lại, trong một quyển tiểu thuyết hay các tác
phẩm thuộc về tưởng tượng, nhất là thi văn, thì thiết tưởng tác giả nên kết
luận bằng một vài nét tượng trưng để giúp cho óc tưởng tượng độc giả tiếp
tục mơ màng bất tận, sau khi bài văn chấm dứt... Tiếng đờn hay là hay ở dư
âm. Một quyển tiểu thuyết hay không cần phải chứng minh một cái gì cả...
Hãy để cho cuộc đời tiếp tục diễn tiến với những bất ngờ, và câu văn cũng
nên để nhiều dấu chấm... như những câu nhạc cuối cùng của Chopin, một
chân đụng đất, một chân trên không. Tuy vậy, không phải đó là một nguyên
tắc tuyệt đối. Nhưng văn sĩ cũng có nhiều khía cạnh giống như nhạc sĩ.
XIII.
Muốn thành một nhà văn hay, cần phải thường viết. “Có rèn mới thành
người thợ rèn”. Nghề dạy nghề, không còn nguyên tắc nào hay hơn nữa.
“Trần Nghiêu Tư làm quan đời nhà Tống, bắn cung giỏi có tiếng, đời bấy
giờ không ai bằng. Ông cũng lấy thế làm kiêu căng. Ông thường bắn trong
vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, thấy ông đang bắn, đặt gánh
xuống, ngấp nghé xem mãi. Ông lão thấy ông Nghiêu Tư bắn mười phát
trúng được tám chín thì gật gù, mỉm cười. Nghiêu Tư gọi vào hỏi:
- Nhà ngươi cũng biết bắn ư? Ta bắn chưa được giỏi sao?
Ông lão nói:
- Chẳng giỏi gì cả. Chẳng qua là quen tay thôi! Nghiêu Tư giận lắm, bảo:
- À, nhà ngươi dám khinh ta bắn không giỏi à? Ông lão nói: