- Cứ xem tôi rót dầu thì rõ.
Nói đoạn, lấy một cái bầu đặt xuống đất, để đồng tiền lên miệng, rồi lấy
cái môi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền mà không dây một tí dầu nào ra ngoài
đồng tiền cả. Rồi nói: “Tôi cũng chẳng phải giỏi gì cả, chỉ quen tay mà
thôi.”
Nghiêu Tư cười cho là phải.
Nhà viết văn sở dĩ viết được một cách dễ dàng, hồn nhiên là nhờ rất
nhiều công phu cũng như đã được nhiều công hàm dưỡng. Một người thợ
lặn tài, lội trong nước mà không hay là có nước, phải đâu nhất đán mà
được: họ đã nhiều tập luyện. Ban đầu cũng phải tranh đấu với nước, lúc tập
dượt cũng phải tuân theo nhiều thể thức... nhưng lâu ngày thành thói quen,
nên lội trong nước như các loài thủy tộc.
Khi nào ta thấy một người viết văn dễ dàng, giản dị và tự nhiên, nên biết
rằng nghệ thuật của họ đã lên thật cao rồi, chắc chắn vì đã tốn nhiều công
phu tập luyện đến thành như một thiên tính thứ hai.
XIV.
Sau khi in xong tác phẩm của mình, nhà văn nào cũng mong có độc giả,
dù số độc giả ấy ít hay nhiều.
Nhưng độc giả quan trọng nhất của nhà văn là những nhà phê bình. Họ là
người môi giới giữa tác phẩm và độc giả. Một lời khen, một tiếng chê có
khi làm nên hoặc làm hỏng một tác phẩm. Tôi có biết nhiều nhà văn trẻ, tỏ
ra vô cùng đau khổ khi thấy bị một nhà phê bình chê dè trên mặt báo, dù là
sự chê dè bất công. Đó là một việc rất thường tình. Dư luận là điều đáng lo
ngại, nhưng cũng không nên quá nô lệ nó, đến mất cả tinh thần tự tin.
Đừng quá lo sợ dư luận của kẻ đồng thời. Miễn là ý tưởng của mình chân
thành, thì phải có đủ can đảm vượt lên trên dư luận, nếu mình biết nó là bất
công. Trái lại, nếu lời chỉ trích và công kích xét ra đúng lý, thì mình lại có
được một cơ hội tốt để học thêm và sửa đổi cho tác phẩm càng thêm hay,
chứ có hại gì!