nơi đây thể thức đã được quy định trước, để tuyên truyền hay để phê phán,
lên án một chính kiến nào... Guy de Maupassant có nói: “Nhà phê bình
xứng đáng với danh từ cao đẹp của nó phải là người không thuộc về
khuynh hướng nào cả, không có những ưa thích riêng tư nào cả, không
thiên kiến gì cả, và như nhà chuyên môn xem tranh, họ chỉ đánh giá các
bức tranh theo giá trị nghệ thuật của mỗi thứ. Sự thông hiểu của họ thật
rộng rãi, họ có thể tạm thời quên hẳn cá tính của họ, cái bản ngã của họ với
tất cả tấm lòng ưa ghét riêng tư của họ để mà thẩm định cái chân giá trị của
những tác phẩm mà họ phê bình.”
Voltaire, trong quyển Dictionnaire Philosophique, cũng có nói: “Nhà phê
bình hay nhất là một nghệ sĩ có học nhiều và có nhãn thức rộng không
thành kiến, cũng không tật đố. Như thế cũng khó mà tìm ra được rồi!”
Tóm lại, nhà phê bình tự do là người tìm hiểu và cố làm cho kẻ khác
cùng hiểu, nghĩa là họ là người có một cái tài thông cảm đặc biệt, biết ra
khỏi con người của mình và thoát khỏi cái bản ngã bẩn chật cùng thành
kiến và lòng ưa ghét riêng mình để hiểu biết những cái hay, cái dở của kẻ
khác qua tác phẩm của họ. Như vậy, nhà phê bình này phải có một khiếu
lịch sử, nghĩa là một đầu óc hiểu biết vượt thời gian và không gian, không
thuộc người của một nước nào, một dân tộc nào, của một thế hệ hay thời
buổi nào.
⥚◌⥛
Ngoài hai hạng trên, lại còn có một hạng mà tôi cho là ngoại hạng vì họ
không có một lý thuyết nào rõ ràng vững chắc, họ lại cũng không có tài
thông cảm và vượt lên trên mọi học thuyết tư tưởng.
Họ là hạng lầm lẫn phê bình với chống đối. Họ là hạng tật đố, hạng bất
tài chuyên dùng những thủ đoạn tiểu nhân xuyên tạc, chê dè kẻ khác để
nâng cao mình lên. Họ là hạng bị tự ti mặc cảm: Bất cứ một nhà văn nào có
tên tuổi hoặc có tài ba hơn họ, đều bị “nọc độc” và “búa rìu” của họ. Nếu là
cùng bè, cùng nhóm thì họ khen đáo khen để; trái lại nếu không là bè phái