đâu”! Vì một biển rộng chứa cả bọt, bèo nhơ bẩn, mà không bao giờ dơ.
Goethe nói rất đúng: “Người ta nói rằng không có ai là bậc anh hùng đối
với anh bồi phòng của mình. Thật vậy, chỉ có bậc anh hùng mới biết được
kẻ anh hùng, chứ anh bồi phòng thì chắc chắn chỉ biết rõ hạng người bồi
phòng như họ mà thôi”. Một văn hào khác cũng nói: “Phê bình kẻ khác,
chính là phê bình mình đấy!”
Hạng tầm thường không làm sao hiểu nổi
hạng người vĩ nhân phi thường, nên họ thường chỉ thấy được những tiểu
tiết, những cái tầm thường giống họ mà thôi. Không thể dùng một thứ tầm
thường chung để đo lường và đánh giá những bậc vĩ nhân hay những tác
phẩm vĩ đại với những bậc tầm thường hay những tác phẩm tầm thường.
Người biết đọc sách là người biết tạm quên mình, quên cả những thành
kiến cùng lòng ưa ghét của mình, nghĩa là phải có một cơ sở học vấn càng
rộng càng hay, nhãn thức càng sâu càng tốt, để có thể thưởng thức và đánh
giá một cách công bằng tất cả mọi hình thức văn nghệ phẩm đủ các loại
khác nhau, nghĩa là phải có một chân học thức và một nhãn thức rộng rãi và
bao trùm.
Nếu gặp phải những nhà văn đang “tập sự”, họ sẽ không bao giờ dùng
lời mỉa mai chế nhạo để làm mất lòng tự tin, giết chết mọi ý kiến mới mẻ,
đang rụt rè phát hiện, mà trái lại họ nâng đỡ, hướng dẫn, vỗ về bằng những
lời khuyên khéo léo, thiết thực và thích đáng.
Không có gì khó bằng biết quên mình, tạm thời biết dẹp bỏ thành kiến
cùng lòng ưa ghét riêng tư của mình, để đi vào tâm hồn kẻ khác. Vì vậy
Tăng Xán mới khuyên ta: “Đem những điều mình ưa thích đi chống lại với
những gì mình không ưa thích, đó là căn bệnh trầm trọng nhất của tâm
hồn”. Óc hẹp hòi là điều cấm kỵ nhất đối với nhà phê bình: “Kẻ hẹp hòi là
người không thể thưởng thức được những gì họ không ưa thích”
.
Brunetière cũng nói: “Đức đầu tiên của nhà phê bình là biết tìm cách thông
cảm những gì ta không ưa thích”. Đó là điều kiện cần thiết nhất để được
công bằng.