thống tư tưởng của tác giả, nếu có. Nhà phê bình cũng phải dò theo những
khuynh hướng thâm sâu, những biến chuyển bất thường trong tâm hồn của
tác giả ngay trong những cuộc bút chiến mà tác giả có nhúng tay vào hoặc
tự mình gây ra, nếu có. Nghĩa là nhà phê bình phải hiểu rõ những tác phẩm
của tác giả với tất cả những đề tài, những nhân vật, những tính tình cùng
văn chương của tác giả.
Như trên đây đã nói, nhà phê bình chẳng những phải cần hiểu biết một
cách sâu sắc tư tưởng của tác giả, lại cũng cần biết sành phương thuật xây
dựng một tác phẩm giá trị. Villemain nói: “Muốn thành một nhà phê bình
giỏi, phải có thể là một nhà văn hay”.
Jules Janin, phê bình gia trứ danh của Journal des débats lại còn đi xa
hơn nữa: Kẻ nào làm công việc phê bình mà chính mình không viết được
một tác phẩm nào cả là một kẻ không liêm sỉ”. Lời nói thật cũng có phần
quá đáng, nhưng tựu trung đều có ý muốn nhấn mạnh về điểm quan trọng
này: nhà phê bình phải thật sành về môn loại của mình phê bình.
⥚◌⥛
Tuy vậy, muốn thành một phê bình gia đứng đắn, chẳng những phải hiểu
biết nhiều về tác phẩm mà mình định phê bình, đọc qua những tác phẩm
khác của tác giả, soát lại những tác phẩm đồng loại của các danh gia xưa và
nay, sành sỏi những nguyên tắc làm văn và những phương thuật xây dựng
một tác phẩm giá trị... mà còn phải có được cái khiếu đặc biệt này là “khiếu
phê bình”. Với cái khiếu đặc biệt này ta có thể thoáng qua là nhận thấy
được liền giá trị độc đáo của tác phẩm, thấy rõ những ưu khuyết điểm và cả
giá trị sau này của tác phẩm mà ít có người thấy được.
“Khiếu phê bình” thường được xem như là một thiên tư, chưa dễ ai ai
cũng đều có được. Nhưng sự thực thì nó là một thứ linh cảm, một thứ trực
giác do công phu đào luyện lâu ngày theo một lề lối phê bình có nguyên tắc
vững vàng.
IV.